Top

Nhiều Việt kiều chưa được mua nhà ở

Cập nhật 23/01/2008 15:00

Bắt đầu lập nghiệp lại trên quê hương, ông Nguyễn Hoài Bắc - Việt kiều Canada quyết định mở nhà máy sản xuất chăn ga gối. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhãn hiệu Canada Home Deco đã nhanh chóng có mặt tại hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Là một trong những Việt kiều về đầu tư ở Việt Nam từ rất sớm, ông cũng là đối tượng được mua nhà ở theo Nghị định 81CP ban hành năm 2001. Mặc dù có trong tay một lượng tài sản rất lớn, nhưng ông chưa bao giờ có một ngôi nhà đứng tên chính chủ.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Tổng Giám đốc Công ty Canada Home Deco nói: "Nếu người Việt Nam đứng ra bảo lãnh, lại nảy sinh thêm vấn đề phức tạp. Khi tôi muốn bán nhà, chuyển nhượng tài sản cho bất kỳ ai, lại phải xin ý kiến người bảo lãnh, mặc dù đó là tiền của tôi. Nếu người bảo lãnh không thiện chí, tất cả hồ sơ lại phải làm lại từ đầu. Tôi mong muốn có một căn nhà mang tên của mình để "oai" với người ta, thứ hai là chứng tỏ công sức mình đóng góp cho đất nước...".

Không riêng ông Bắc, nhiều trường hợp Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên mua nhà, đất và họ phải chấp nhận cuộc chơi như một canh bài.

Luật sư Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty Luật Hồng Hà cho biết: "Trước hết, phải nói việc mua nhà nhờ người Việt Nam đứng tên là hình thức lách luật, chứa đựng rủi ro rất lớn. Có những trường hợp chúng tôi tham gia giải quyết, họ chứng minh được đã gửi tiền về nước, thì Việt kiều khi mua nhà có thể bị mất số tiền, vì Toà án dựa vào chứng cứ, mà nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là thuộc đương sự, đương sự không chứng minh được đã gửi tiền về cho người Việt Nam thì khả năng mất tiền là rất cao".

Hiện mới chỉ có gần 130 Việt kiều sinh sống tại TP.HCM được mua nhà. Còn tại Hà Nội, chưa có trường hợp nào được giải quyết. Luật Nhà ở có hiệu lực năm 2006 đã mở rộng thêm đối tượng được sở hữu một căn nhà với điều kiện đơn giản là Việt kiều đã cư trú tại Việt Nam 6 tháng trở lên. Thế nhưng, đã hơn 1 năm rưỡi trôi qua, việc xác định thời hạn cư trú vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho rằng: "Việc xác định công chứng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hay không thì Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chưa phối hợp được, đó là vấn đề khó khăn. Nhưng sau khi Dự thảo Luật nhà ở được trình Thủ tướng chính phủ ký ban hành điều chỉnh Nghị định 90 thì giải quyết được vấn đề đó. Vì tất cả nội dung chúng tôi đã ghi rất rõ và được các Bộ, ngành đồng tình".

Lý giải về việc tại sao tại TP.HCM có gần 130 Việt kiều đã được mua nhà, trong khi con số này ở Hà Nội là 0, ông Vũ Xuân Thiện cho rằng, mỗi nơi đã vận dụng khác nhau Nghị định 90. Điều đó cho thấy sự không rõ ràng và nhất quán trong thực thi chính sách của chính phủ...

Theo VTV