Top

Thị trường bất động sản: Cú hích mạnh mẽ

Cập nhật 13/03/2008 15:00

Sau gần 8 năm triển khai chính sách nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài - một chủ trương lớn của Nhà nước song mới có 130 người mua và sở hữu nhà trong khi tiềm năng thực sự còn rất lớn. Cơ quan chức năng mới đây lại kiến nghị chỉnh sửa chính sách này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào được mua nhà tại Việt Nam.

8 năm, 130 người mua nhà!

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà, Bộ Xây dựng, năm 2001, Chính phủ đã ban hành chính sách cho phép 4 đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam (Nghị định 81/CP) song tới nay mới chỉ có khoảng... 130 Việt kiều đứng tên mua nhà!

Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 70 người. Riêng tại Hà Nội, thông tin từ Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất thành phố cho biết, tới nay, vẫn chưa có trường hợp nào mua nhà. Từ đó, có thể nhận định chính sách nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước đây còn nhiều vướng mắc.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Luật Nhà ở năm 2006 tiếp tục mở rộng hơn, đối tượng Việt kiều được mua nhà nhưng gần 2 năm trôi qua kể từ ngày Luật có hiệu lực, vẫn chưa có một Việt kiều nào mua được nhà dù theo tính toán của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, gồm cả những người định cư lâu dài, những người cư trú trong thời gian nhất định... Trong đó, ít nhất có khoảng 100.000 Việt kiều có nhu cầu và có khả năng mua nhà ở tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, cản trở lớn nhất của Nghị định 81/CP là do không có quy định cụ thể về thủ tục. Đơn giản nhất là việc cơ quan nào xác nhận người đó là Việt kiều và đủ điều kiện mua nhà cũng không rõ ràng.

Không có gì làm bằng nên rất nhiều địa phương “đảm bảo an toàn” bằng cách chẳng giải quyết trường hợp nào cả! Hiện nay, rất nhiều Việt kiều hỏi về thủ tục mua nhà theo Luật Nhà ở nhưng chính cơ quan quản lý nhà cũng chỉ biết trả lời phải đợi vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể!

Trong đó, vướng mắc chính hiện nay là các cơ quan chức năng chưa ban hành được hướng dẫn cụ thể việc xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi cấp visa theo quy định.

Ngoài ra, theo phản ánh của kiều bào, khó khăn, vướng mắc trong việc mua và sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn do Nghị định số 90/CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) không quy định cụ thể các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà giao cho hai cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn, nhưng đến nay hai cơ quan này vẫn chưa thực hiện!

Sửa chính sách thế nào?

Để xử lý vướng mắc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo việc sửa đổi Nghị định số 90/CP theo hướng cần giải thích rõ đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào mua nhà.

Theo Bộ Xây dựng, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, đương nhiên có các quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Do vậy, hai đối tượng này cũng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước. Có như vậy mới bảo đảm tính công bằng, hợp lý trong việc áp dụng pháp luật.

Bộ Xây dựng đề nghị, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam) thì được sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước, không hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu.

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam nếu thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1, điều 126 của Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước. Ngoài ra, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1, điều 126 của Luật Nhà ở thì chỉ được sở hữu một nhà ở.

Về thời hạn cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ Xây dựng đề nghị quy định cụ thể: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 126 của Luật Nhà ở mà đã về Việt Nam và có thời hạn cư trú ghi trong hộ chiếu hoặc trong giấy tờ nhập xuất cảnh từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp Giấy miễn thị thực theo quy định của pháp luật thì được sở hữu một nhà ở.

Theo các chuyên gia bất động sản, ảnh hưởng của chính sách nhà ở cho kiều bào đối với thị trường trong nước là rất lớn. Nếu những vướng mắc thực sự được khai thông, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ thêm phần khởi sắc.

Giấy tờ để chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu của Việt Nam.

+ Người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận đăng ký công dân, bản sao trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, bản sao trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các loại giấy tờ sau đây: Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận gốc Việt Nam hoặc các giấy tờ cũ chứng minh có quốc tịch Việt Nam của bản thân mình hoặc của một trong những người là cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại...


Theo An Ninh Thủ Đô