Top

Người nước ngoài vẫn “kính nhi viễn chi“ nhà ở Việt Nam

Cập nhật 13/05/2013 09:04

Một Việt kiều đã chia sẻ với chúng tôi rằng có đi mua nhà ở Việt Nam mới biết thế nào là trần ai. Người này chỉ giải quyết được bài toán an cư một cách trọn vẹn khi… lôi "bà xã" người Việt Nam vào cuộc.

Mỗi năm, giải quyết chưa đến 100 trường hợp

Năm 2008, sau rất nhiều tranh luận, cuối cùng chủ trương cho phép tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã được chính thức hóa. Với việc ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12, Quốc hội lần đầu tiên chính thức cho phép việc này, và sau đó không lâu, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện.

Cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ chung cư mà không được sở hữu nhà riêng lẻ.

Thời điểm đó, cũng là thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam đang sôi động, nhiều người tin rằng chủ trương này sẽ tạo ra bước ngoặt đáng kể cho thị trường bất động sản, thậm chí cho rằng chủ trương này sẽ “tạo sóng” cho thị trường.

Trên thực tế, nhiều dự án đã tăng tỷ lệ hàng hóa phân khúc cao cấp để “đón trước” dòng khách hàng này. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, tình hình thực tế lại khá trầm lắng.

Theo một thống kê của Cục Đăng ký và Thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam theo con đường “chính thức”, nghĩa là có sự đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý, tập trung chủ yếu ở TP.HCM với 342 trường hợp. Đáng chú ý là trong số này, hầu hết là cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, rất ít cá nhân người nước ngoài mua được nhà tại Việt Nam.

Luật “trói”

Một Việt kiều chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, quy định của pháp luật hiện hành đang khiến cho nhiều Việt kiều phải “kính nhi viễn chi” dù rằng rất muốn mua nhà ở Việt Nam.

“Tôi cho rằng với qui định luật pháp hiện nay thì không mấy ai trong chúng tôi mua nhà ở Việt Nam theo đường danh chính ngôn thuận cả, mà có mua thì phần đông đứng tên người trong gia đình, bởi vì luật pháp quá cứng nhắc, nhiêu khê, Việt kiều này nói. Chúng tôi phải đi làm, cả năm mới được nghỉ vài tuần phép, làm gì có thời gian để về sống tại Việt Nam 3 tháng cho đủ điều kiện cần thiết để có thể mua một căn hộ. Nhiều bạn của tôi muốn mua nhà thì lại không được phép mua... Vậy là nhu cầu thì nhiều nhưng chẳng ai mua nổi cũng là điều dễ hiểu”.

Việc giới hạn sản phẩm cũng là điều mà nhiều khách hàng là Việt kiều và người nước ngoài có cảm giác bị “phân biệt”. Mới đây, khi tham gia rà soát Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, một số chuyên gia đã lên tiếng về việc các quy định hiện hành trong vấn đề này là quá chặt chẽ, chẳng hạn như việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ chung cư mà không được sở hữu nhà riêng lẻ.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu mới nhất từ các cơ quan Chính phủ cho thấy, trong các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng biện pháp phù hợp, các quy định cho người nước ngoài mua nhà để ở có khả năng mở rộng hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN