Top

Cấp “sổ đỏ” cho người NN: Thị trường nhà ở Hà Nội liệu có ấm hơn

Cập nhật 02/05/2013 14:00

Trong bối cảnh thị trường nhà ở cung - cầu đang còn lệch pha, hoạt động giao dịch ảm đạm, chính quyền Hà Nội vừa có động thái chính sách mới khi cho phép Việt kiều và người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà trên địa bàn thành phố.

Theo đó, kể từ ngày 4/5/2013, chính sách này sẽ được áp dụng cho các đối tượng trên nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, thành phố cũng nêu rõ một số loại đất sẽ không được cấp giấy chứng nhận như: đất do Nhà nước giao, đất nông nghiệp, đất sân vườn, đất công cộng, đất thuộc vùng thu hồi…
Image

Dòng tiền từ Việt kiều và người nước ngoài có thể làm ấm phân khúc BĐS cao cấp (ảnh minh họa)

Với chính sách mới này, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu nó sẽ tác động lên thị trường nhà ở Hà Nội như thế nào? có kích thích được vùng đối tượng mua mới và tạo ra điểm nhấn mới trong nhu cầu hay không?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp. Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp tiêu thụ những sản phẩm bất động sản, mặt khác sử dụng thêm được nhiều lao động, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm với ông Dũng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nên mở rộng cửa để cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Vì đây được xem là một giải pháp hiệu quả nhất để giải phóng lượng BĐS tồn kho, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Theo ông Hiếu, người Việt Nam với thu nhập trung bình còn thấp, chỉ có nhu cầu mua những căn hộ có giá từ 700 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Còn những dự án siêu sang, biệt thự liền kề ở những khu đất vàng như Mỹ Đình, Cầy Giấy, Tây Hồ... chỉ có một số ít giới thu nhập cao, người nước ngoài hoặc Việt kiều mới có khả năng tài chính để mua. Trên thực tế, những khu vực này thực sự hấp dẫn đối với người nước ngoài.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nên có chính sách tận dụng dòng tiền từ những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài tại Việt Nam. Đây là một nguồn lực tài chính đầy tiềm năng, có thể góp phần “giải cứu” thị trường đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, chính sách này sẽ không bóp méo thị trường như việc sử dụng đến các gói cứu trợ từ Chính phủ.

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu và quản lý BĐS uy tín CBRE Việt Nam, tính đến hết quý I/2013, do mức độ tiêu thụ vẫn còn thấp (600 căn trong quý) nên Hà Nội đang tồn kho lên tới 21.600 căn hộ, trong đó chiếm đa phần là các căn hộ trung và cao cấp, tăng 5% so với quý trước đó và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đang có những chính sách chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội với giá “bình dân” hơn, nhưng để tiêu thụ được lượng BĐS tồn kho lớn như trên đòi hỏi có nhiều giải pháp kích cầu, trong đó chính sách mới mà Chính quyền Hà Nội bắt đầu đi tiên phong có thể là một hướng đi mới.

Tuy vậy, việc áp dụng thực tế chính sách trong thời gian tới như thế nào cũng còn là một vấn đề. Thông thường, quy định là vậy, nhưng đến khi thực hiện thì thủ tục hành chính thường có nhiều rắc rối, đặc biệt là một vấn đề mới và có đôi phần nhạy cảm khi liên quan đến yếu tố nước ngoài như chính sách trên.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho Việt kiều và người nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội, đối với hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam thì nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại UBND phường, xã, thị trấn, nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Đối với chủ sở hữu là người nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân Hàng