Top

Ngày đầu cấp sổ đỏ cho Việt kiều

Cập nhật 06/05/2013 08:20

Ngày 4/5/2013, TP. Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương cấp sổ đỏ cho Việt kiều với hy vọng cứu thị trường Bất động sản đang trong tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, lượng Việt kiều đến giao dịch trong ngày đầu tiên diễn ra thưa thớt, èo uột.

Tại Sàn giao dịch Bất động sản Info, quận Cầu Giấy, lượng khách giao dịch khá thưa thớt. Theo quan sát, đối tượng tìm hiểu bất động sản tại đây chủ yếu là người dân thành phố và một số người tỉnh khác có nhu cầu tìm nhà.

Chị Võ Thị Hà, nhân viên kinh doanh ở đây cho biết: Từ trước tới nay khách là Việt Kiều và người nước ngoài giao dịch tại sàn rất hiếm hoi, vài năm nay mới chỉ có 1 đến 2 giao dịch loại này.

Theo chị Hà, quyết định số 13 của thành phố Hà Nội sẽ tạo thuận lợi hơn cho những đối tượng có nhu cầu. Tuy nhiên, việc tác động đến thị trường bất động sản trong ngày đầu thực hiện quyết định này là không đáng kể.

Còn tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, nơi được giao trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho cá nhân người nước ngoài, cho đến quá giờ trưa vẫn chưa có trường hợp người nước ngoài nào tới đăng ký cấp sổ đỏ. Nguyên nhân có thể do là ngày đầu quyết định có hiệu lực nên nhiều người chưa biết đến để tới đăng ký.

Cấp sổ đổ cho Việt kiều đang được coi là cứu cánh cho thị trường Bất động sản đang "đóng băng".

Được biết, tính đến tháng 2/2013, cả nước chỉ có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.

Theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, Việt kiều và người nước ngoài với tư cách là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, sở hữu tài sản khác gắn liền trên đất đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, tài sản.

Giấy chứng nhận được cấp cho người sử dụng đất, sở hữu nhà gắn liền với đất theo từng thửa đất. Thửa đất có nhiều người có quyền sử dụng, nhiều chủ sở hữu nhà ở thì giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử dụng đất, sở hữu nhà, tài sản, còn quyền sử dụng đất là sử dụng chung.

Đối với hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam thì nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại UBND phường, xã, thị trấn, nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Đối với chủ sở hữu là người nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, chủ trương cho người nước ngoài mua nhà được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các loại căn hộ thuộc phân khúc cao cấp. Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp tiêu thụ những sản phẩm bất động sản, mặt khác sử dụng thêm được nhiều lao động.

Tuy nhiên, nói về việc mở rộng chính sách để người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Chỉ nên mở đến một phạm vi rộng hơn quy định hiện hành thì có thể được, chứ tất nhiên không thể mở đến mức ai mua cũng được thì không nên. Tức là phải có một số điều kiện nhất định".

"Nhưng xin nói rằng, có mở ra hơn nữa thì Bất động sản vẫn cứ tồn đọng. Đấy không phải là giải pháp để cứu cánh Bất động sản. Nó làm cho thị trường Bất động sản có thể có tăng giao dịch nhưng người nước ngoài sẽ không phải là cứu cánh cho thị trường Bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư đừng lầm tưởng. Đừng mơ người nước ngoài sẽ ồ ạt nhảy vào mua" - Ông Võ nhận định thêm.

Đồng quan điểm đó, TS. Phạm Văn Võ - Phó trưởng khoa Luật thương mại trường Đại học Luật TPHCM nói: " Đến một lúc nào đó, khi thị trường Bất động sản phục hồi, nếu chúng ta sửa luật thoáng quá thì có thể rơi vào tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam mua, sở hữu nhà ở, đẩy giá nhà ở lên cao và người dân Việt Nam không có đủ khả năng chạy theo cạnh tranh với họ. Từ đó có thể gây ra tình trạng người Việt Nam không có cơ hội để sở hữu nhà ở nữa".
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt