Top

Cho người nước ngoài mua nhà: Dân Việt có còn cơ hội?

Cập nhật 23/04/2013 14:21

Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam đang được cho là một cứu cánh để thúc đẩy thị trường BĐS đang đóng băng. Tuy nhiên, theo quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ thì các nhà đầu tư không nên lầm tưởng, coi đó là giải pháp để giải cứu BĐS Việt Nam.

Mua nhà đất

"Hiện nay, theo Nghị quyết của Quốc hội thì người nước ngoài được mua nhà chung cư với những điều kiện nhất định. Theo đó, mỗi người được mua một căn hộ, và nghị quyết này đã được áp dụng thí điểm. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa cho phép người nước ngoài được mua đất, cũng chưa cho phép được mua nhiều hơn 1 căn hộ chung cư. Và khó khăn hiện nay đối với việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là ở khâu thủ tục. Các quận huyện làm phức tạp ra. Cái này không phải do thực thi pháp luật mà do các quận huyện thực hiện không tốt" - GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Cũng theo ông Võ, đối với những người nước ngoài không phải là chủ đầu tư hoặc không có công, không định cư lâu dài tại Việt Nam... thì mặc dù có những điều kiện khó khăn hơn, tuy nhiên ngay đối với các nước khác trên thế giới cũng có những quy định như vậy để bó hẹp một số đối tượng được mua nhà.

Có mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam hơn nữa thì BĐS vẫn cứ tồn đọng.

"Hiện nay vẫn có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến đồng ý cho người nước ngoài được mua nhà đất, như vậy thì thị trường BĐS mới trở nên sôi động, không bị ách tắc, mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến không đồng tình, cho rằng sửa đổi luật thì có thể xảy ra tình trạng người nước ngoài họ vào mua hết chỗ này đến chỗ khác thì sao? Với hai luồng ý kiến này, cơ quan quản lý cấp cao cũng cho rằng nên thận trọng. Chúng ta mở nhưng mở từng bước, chứ không phải là mở luôn.
Còn ý kiến của riêng tôi thì trước hết nên mở để người nước ngoài mua nhà chung cư. Nhiều nước họ cũng đã áp dụng điều này. Chẳng hạn như Mỹ, họ cho mua nhà riêng nhưng với điều kiện là phải có công việc ổn định.

Tuy nhiên, chỉ nên mở đến một phạm vi rộng hơn quy định hiện hành thì có thể được, chứ tất nhiên không thể mở đến mức ai mua cũng được thì không nên. Tức là phải có một số điều kiện nhất định.

Nhưng xin nói rằng, có mở ra hơn nữa thì BĐS vẫn cứ tồn đọng. Đấy không phải là giải pháp để cứu cánh BĐS. Nó làm cho thị trường BĐS có thể có tăng giao dịch nhưng người nước ngoài sẽ không phải là cứu cánh cho thị trường BĐS Việt Nam. Các nhà đầu tư đừng lầm tưởng. Đừng mơ người nước ngoài sẽ ồ ạt nhảy vào mua" - Ông Võ nhận định.

Nguy cơ người Việt Nam không có cơ hội để sở hữu nhà ở nữa

Đồng quan điểm với GS. Đặng Hùng Võ, TS. Phạm Văn Võ - Phó trưởng khoa Luật thương mại trường Đại học Luật TPHCM cũng cho rằng, nên sửa đổi luật nhưng chỉ trong chừng mực.

"Hiện nay, Nghị quyết số 19 của Quốc hội đã cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ là thí điểm và hạn chế của nó ở đây là điều kiện người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tương đối khó. Như điều 2 của Nghị quyết 19 quy định những điều kiện như: được Chủ tịch nước tặng thưởng huân huy chương, được các doanh nghiệp thuê giữ chức danh quản lý... thì những điều kiện này tương đối khó. Và số lượng người nước ngoài đáp ứng được điều kiện này không phải nhiều.

Hạn chế thứ hai là hiện nay Nhà nước chỉ cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư ở Việt Nam. Và thời gian được sở hữu chỉ có 50 năm. Đây cũng là một hạn chế lớn" - TS. Võ nhận định,

Cũng theo TS. Võ, hiện nay muốn tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam thì cần phải mở rộng các đối tượng được phép mua nhà. Thứ hai là không nên giới hạn người nước ngoài chỉ được phép mua căn hộ chung cư, cũng không nên giới hạn thời hạn được sở hữu chỉ có 50 năm.

"Thực ra Nghị quyết số 19 chỉ mang tính thí điểm và thời gian thí điểm đã 5 năm rồi, từ năm 2008. Trong khoảng thời gian này cũng đã đủ để rút ra những kinh nghiệm cần thiết để ban hành một văn bản chính thức về vấn đề này, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay đang trầm lắng.

Tuy nhiên, chúng ta sửa luật nhưng phải mang tính chiến lược lâu dài, đừng coi đấy là một giải pháp để cứu thị trường BĐS hiện nay.

Bởi vì đến một lúc nào đó, khi thị trường BĐS phục hồi, nếu chúng ta sửa luật thoáng quá thì có thể rơi vào tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam mua, sở hữu nhà ở, đẩy giá nhà ở lên cao và người dân Việt Nam không có đủ khả năng chạy theo cạnh tranh với họ. Từ đó có thể gây ra tình trạng người Việt Nam không có cơ hội để sở hữu nhà ở nữa.

Cho nên có sửa chính sách này cũng phải gắn liền với một tầm nhìn mang tính dài hạn chứ không phải vì những lý do trước mắt" - TS. Võ cho biết.

Theo nghị quyết 19 của Quốc hội và Nghị định 51 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam quy định:

Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại VN: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại VN theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại VN, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho VN được Chủ tịch nước CHXHCN VN tặng thưởng huân chương, huy chương. Cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho VN do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân VN. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại VN theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

Ngoài ra, cá nhân nước ngoài phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại VN từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt