Top

Việt kiều nhận “phần vắng” chưa nhiều

Cập nhật 19/01/2008 09:00

Mới có gần 30 hồ sơ hợp lệ. Đa số đến chỉ để hỏi thủ tục. Sau khi biết chỉ được trả thêm lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng, không ít người kêu bị... lỗ.

Trong ngày 17 và 18-1, các nhân viên Phòng Ngân sách của Sở Tài chính TP.HCM đã tiếp gần 200 người đến tìm hiểu thủ tục, phần lớn chưa có đủ giấy tờ theo quy định. Sở mới nhận được gần 30 hồ sơ hợp lệ yêu cầu hoàn trả phần vắng cho Việt kiều và đồng sở hữu nhà ở tư nhân trong nước đã bỏ đi đâu không rõ.

Mất biên nhận: Có được nhận lại phần vắng?

Nhà của bà Trần Thị Đào (quận Bình Thạnh) do cha mẹ để lại cho bốn chị em. Năm 1989, bà đi hợp thức hóa nhà và phải nộp gần 13 triệu đồng tiền phần vắng vì một người chị của bà đang định cư ở Mỹ. Sau khi nộp tiền tại kho bạc, bà Đào không giữ được biên nhận nộp tiền. Hiện tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của bà còn ghi một câu: nộp ngân sách một phần mười giá trị căn nhà vì một phần tư đồng sở hữu vắng mặt. Bà Đào được cán bộ giải thích là tuy không còn biên nhận nhưng chị của bà vẫn có thể nhận lại phần vắng đã nộp vì giấy chứng nhận sở hữu nhà có ghi nhận việc nộp phần vắng. Bà có thể đề nghị chị của bà làm thủ tục ủy quyền cho bà đi nhận.

Ông Nguyễn Tiến (quận Tân Bình) cũng đến hỏi thăm thủ tục nhận phần vắng cho cha vợ và anh vợ đang định cư tại Mỹ. Căn nhà vợ chồng ông đang ở là nhà do cha mẹ vợ để lại. Sau khi mẹ vợ mất, người cha vợ và anh vợ đi định cư tại Mỹ. Gia đình này đã làm tờ khai di sản thừa kế. Khi hợp thức hóa căn nhà trên vào năm 2002, vợ chồng ông Tiến đã đóng trên 290 triệu đồng phần vắng (phân nửa giá trị nhà của cha vợ và phần thừa kế của anh vợ). Hai người ở nước ngoài đã đồng ý cho vợ chồng ông Tiến luôn số tiền này. Ông cẩn thận xin một bản photocopy giấy ủy quyền để thân nhân tại Mỹ làm “mẫu” cho chắc ăn. Ông nghe đâu mỗi lần nhờ dịch vụ làm thủ tục ủy quyền ở Mỹ tốn đến vài trăm USD nên sợ sai phải làm tới làm lui phiền người thân.

Ít quá nên... bỏ luôn!

Từ ngày 11-1, Phòng Ngân sách (Sở Tài chính) đã tăng cường thêm nhân viên ở bộ phận tiếp dân, giải thích thủ tục hoàn trả phần vắng. Mỗi ngày Sở tiếp trên 30 lượt người. Ngày đầu tiên tiếp nhận hồ sơ, bộ phận này luôn bị quá tải. Lúc cao điểm có hơn 10 người đến hỏi thủ tục. Sau khi nghe cán bộ giải thích một lúc, ông Trần H. (quận 6) phân trần: “Số tiền ít quá, chẳng đủ tiền chi phí làm giấy ủy quyền ở nước ngoài nên tôi không nhận lại nữa”. Tính ra số tiền mà ông H. được nhận thay em trai mình đang định cư tại Mỹ chỉ hơn một triệu đồng!

Nhiều người hỏi việc trả lãi phần vắng như thế nào, có tính trượt giá hay không? Sau khi biết chỉ được trả thêm lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng, không ít người kêu bị... lỗ. Năm 1998, bà Hà Thanh (quận Phú Nhuận) bán nhà sở hữu chung của năm anh em và đóng 12 triệu đồng tiền phần vắng cho một người anh đang ở nước ngoài. Tính ra theo giá vàng lúc bấy giờ thì 12 triệu đồng trị giá hơn hai lượng vàng. Nay nếu bà nhận cả gốc lẫn lãi thì mua không được một lượng vàng.

Mua nhà có phần vắng: Phải nhờ chủ cũ nhận lại!

Năm 1995, ông T. (quận 3) mua một căn nhà bằng giấy tay. Người chủ cũ bán nhà, nhận tiền xong rồi về quê sinh sống. Đến khi hợp thức hóa nhà, ông T. bị buộc phải đóng phần vắng vì một trong những người chủ cũ của căn nhà trên đang ở nước ngoài. Nếu không đóng phần vắng thì không được cấp chủ quyền nhà nên ông T. đành “bấm bụng” nộp phần vắng gần 30 lượng vàng. Biên nhận nộp tiền thì ông còn giữ nhưng bản thân ông T. lại không có quyền nhận phần vắng. Như vậy, ông T. phải tìm lại người đã bán nhà và khó khăn hơn là làm sao thuyết phục các đồng sở hữu phần vắng ở nước ngoài chịu làm thủ tục ủy quyền để ông đi nhận.

Nộp phần vắng cho phường: Chưa dự liệu được

Sáng qua (18-1), một người dân đến nhờ hướng dẫn thủ tục nhận lại phần vắng với một tờ giấy nhận tiền viết tay của cán bộ địa chính phường. Bà cho biết trước đây khi bà bán nhà, bà đã nộp tiền cho cán bộ địa chính của phường. Bà Đào Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết đây là một tình huống “mới toanh” mà khi soạn thảo quyết định trả phần vắng, các cơ quan không lường trước được!

Hồ sơ hoàn hảo

Đó là hồ sơ của ông D. đại diện hai người bà con ở nước ngoài nhận phần vắng một căn nhà tại quận Tân Bình. Ông D. cho biết ông đã chuẩn bị hồ sơ này từ khi Nghị quyết 1037 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có hiệu lực (tháng 9-2006). Ông tìm hiểu qua báo chí, qua mạng và những dự thảo của UBND TP về việc này. Những người bà con ở nước ngoài cũng đã làm giấy ủy quyền gởi về vào giữa năm 2007. Vì thế ngay khi Quyết định 01 của UBND TP có hiệu lực, ông đã có đầy đủ biên nhận nộp tiền, giấy ủy quyền và đơn đề nghị hoàn trả phần vắng nộp tại Sở Tài chính. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài chính gọi vui đây là một “hồ sơ hoàn hảo”.

Ngày 22-1 tới, sẽ có cuộc họp giữa Sở Tài Chính, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ để giải quyết những trường hợp vướng mắc. Một chuyên viên của Sở Ngoại vụ cho biết Sở này đã chuẩn bị rất kỹ những nội dung cần thiết để hướng dẫn người dân trong thủ tục liên quan đến nước ngoài. Nếu cần, Sở sẽ kiến nghị Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể về các thủ tục làm giấy ủy quyền nhằm tạo điều kiện cho người dân hoàn tất các thủ tục nhanh nhất.

Một cán bộ Phòng Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP.HCM khuyên những trường hợp chủ sở hữu phần vắng đang ở nước ngoài thì nên làm giấy ủy quyền tại lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Việt Nam. Những giấy tờ này có hiệu lực tại Việt Nam mà không cần qua thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.



Theo Pháp Luật TP.HCM