Tới đây, các thủ tục pháp lý cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ trở nên rõ ràng, thông thoáng hơn. Đây sẽ là cơ hội để thị trường bất động sản đón thêm những khách hàng mới tiềm năng này.
Khách hàng là Việt kiều tham quan, tìm hiểu một dự án bất động sản tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo
|
Sau khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, giới kinh doanh bất động sản vẫn băn khoăn về các thủ tục xác nhận nguồn gốc của người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà.
Theo ông Châu, vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã chính thức trả lời HoREA về vấn đề trên. Theo giải thích của cơ quan này, hiện nay việc cấp giấy xác nhận là gốc người Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện mang hộ chiếu nước ngoài hay giấy tờ khác như hộ chiếu, mà không có hộ chiếu Việt Nam để kiều bào có thể được hưởng chính sách ưu đãi như người trong nước được thực hiện theo thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 31/1/2013.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã tháo gỡ những vướng mắc trước đây, tạo điều kiện thông thoáng về cơ bản để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà và nhận quyền sử dụng đất như người trong nước.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hiện không mang quốc tịch Việt Nam, muốn chứng minh nguồn gốc người Việt Nam chỉ cần nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi mình thường trú, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao hay Sở Tư pháp nơi cư trú ở trong nước. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, các cơ quan trên phải xem xét giấy tờ và kiểm tra, đối chiếu, nếu thấy đủ cơ sở thì cấp giấy chứng nhận là người gốc Việt Nam, trường hợp không đủ cơ sở thì phải thông báo cho đương sự, ông Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, khách hàng là người nước ngoài thu hút được sự chú ý, cũng như nhiều băn khoăn từ các doanh nghiệp vì hiện tại, các quy định về mua và sở hữu nhà cho đối tượng này chưa rõ ràng. Chẳng hạn, quy định về chuyển khoản tiền mua nhà ở, vay để mua nhà ở và chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vẫn còn một khoảng trống.
Để giải quyết vướng mắc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa có hướng dẫn thực hiện các thủ tục trên. Cụ thể, trường hợp tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam thông qua hình thức “đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam” theo quy định tại điều 159 của Luật Nhà ở 2014 thì việc chuyển tiền đầu tư xây dựng nhà ở và chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà được thực hiện theo các thủ tục được quy định tại Thông tư 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ngoài ra, trường hợp này còn được điều chỉnh bởi Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Cũng theo hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở” theo quy định tại điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì họ phải thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà được thực hiện theo các thủ tục được quy định tại Thông tư 16/2014/TT-NHNH ngày 1/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép và Nghị định 70/2014/NĐ-CP.
Về phía Bộ Xây dựng, tại một hội thảo gần đây tại TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, việc lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung Nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở 2014 đang hoàn thành, đang trong giai đoạn trình Chính phủ và sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Khởi, theo các quy định trước đây, người nước ngoài chỉ được mua, sở hữu nhưng không được quyền chuyển nhượng thì theo Luật Nhà ở 2014 đã mở cửa thông thoáng, họ có thể chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế… Ngoài ra, người nước ngoài không chỉ được mua căn hộ mà còn mua được nhà phố.
Ông Khởi đánh giá, quy định thông thoáng cho người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà không phải là một “cú hích” cho thị trường nhưng sẽ tạo được sự an tâm, khuyến khích các nhà đầu tư đổ vốn vào Việt Nam. “Khi nghị định này chính thức có hiệu lực thì hành lang cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ trở nên thông thoáng”, ông Khởi cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Chính phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: