Không như kỳ vọng ban đầu, sau hơn 2 tháng Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực, thực tế cho thấy sự tác động của chính sách này mới dừng lại ở mức… tâm lý và đón đầu của doanh nghiệp. Nhiều quy định cần tiếp tục tháo gỡ, doanh nghiệp phải thay đổi cách làm để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiềm năng lớn
Ông Trần Hoài Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết nhờ chính sách thông thoáng, đổi mới những năm gần đây kiều bào ở nước ngoài về nước tăng liên tục. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 4,5 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ 2,2 triệu người; Pháp 300.000 người, Nhật Bản 53.000 người, Nga 60.000 người…
Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới nhận kiều hối nhiều nhất. Số lượng kiều bào những năm gần đây về nước liên tục tăng. Theo đó, trước năm 2000 cả nước mỗi năm đón khoảng 20.000 lượt kiều bào về thăm quê hương, những năm gần đây chỉ riêng cửa khẩu Tân Sơn Nhất con số này đã trên 1 triệu lượt người/năm, trong đó rất nhiều kiều bào có nhu cầu gắn bó với Việt Nam quãng thời gian còn lại...
Ngoài ra tại TPHCM còn có hàng trăm ngàn người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống. Điều này cho thấy tiềm năng khá lớn của phân khúc khách hàng người nước ngoài đối với thị trường BĐS cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Các rào cản về mặt thủ tục hành chính đang là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài, đặc biệt là kiều bào mua nhà tại Việt Nam do phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc mất khá nhiều thời gian, chưa nói đến việc họ phải trả một khoản tiền phí dịch vụ không nhỏ để thực hiện thủ tục. Nhiều khách hàng nước ngoài cũng e ngại về thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam hoặc phương thức thanh toán khi mua nhà, vay ngân hàng… Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM |
Tuy nhiên, theo chuyên gia Sử Ngọc Khương, Công ty Nghiên cứu BĐS Savills, sau hơn 2 tháng Luật Nhà ở có hiệu lực vẫn chưa có người nước ngoài nào được nhận sổ hồng theo chính sách mới. Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho biết cửa đã mở rộng nhưng đến nay vẫn chưa thực sự có tác động tích cực đến đối tượng khách hàng tiềm năng này. Nguyên nhân do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết dù luật đã có hiệu lực hơn 2 tháng.
Tiềm năng lớn, chính sách đã có nhưng làm thế nào để phát huy hiệu quả thiết thực? Theo nhiều chuyên gia, trước mắt cần tháo gỡ 5 nút thắt. Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành liên quan đến Luật Nhà ở 2014.
Thứ hai, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính. Thứ ba, cần có những quy định bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào. Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm tạo kênh thông tin đầy đủ, minh bạch cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà. Thứ năm, cần linh hoạt trong phương thức thanh toán, bởi quy định hiện nay người nước ngoài chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà, chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở, hoặc chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Phải theo thông lệ quốc tế
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ kiều bào về Việt Nam mua nhà bên cạnh nhu cầu cho công việc còn do vẫn nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn. Mua 1 căn nhà ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam cùng có giá 1 triệu USD có thể tương đương về quy mô, kiến trúc, nên yếu tố môi trường sống (xã hội và tự nhiên) được người mua rất lưu tâm. Do đó nếu doanh nghiệp không phát triển dự án đáp ứng các tiêu chí cao sẽ khó thu hút khách nước ngoài.
Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết nhóm khách ngoại và Việt kiều đa số có nguồn tài chính ổn định và mức sống cao. Vì vậy, họ đòi hỏi những tiêu chuẩn quốc tế về quy hoạch, thiết kế và tiện ích của các dự án BĐS tại Việt Nam. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các nhà phát triển BĐS như Novaland nỗ lực vươn lên, sáng tạo những căn hộ đẹp, chất lượng tốt, đẳng cấp quốc tế, xóa đi sự cách biệt giữa các sản phẩm trong và ngoài nước.
Thực tế các nhà đầu tư, phát triển dự án BĐS tại Việt Nam khi triển khai dự án, một trong những nguồn tài chính nhắm đến là khách hàng. Có nghĩa nhà đầu tư thường thu tiền khách hàng khi dự án mới triển khai. Trong khi đó quy định ở Hoa Kỳ không cho phép điều này.
Theo đó, dự án đã được ngân hàng tài trợ và bảo lãnh, khách hàng ngoài khoản tiền đặt cọc, chỉ trả tiền sau dự án đã hoàn thành, nhận nhà và cũng không phải trả tiền một lần như mua nhà ở Việt Nam. Tiền đặt cọc không nộp cho chủ đầu tư mà chuyển vào ngân hàng thông qua tài khoản 3 bên, có sự giám sát của các bên khi giải ngân. Vì thế, những quy định như thu tiền trước, trả tiền một lần đã gây tâm lý ngại ngần cho khách hàng nước ngoài, Việt kiều khi mua nhà tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng
CTCP Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát đã công bố dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) nằm tại huyện Nhà Bè, TPHCM, hướng đến đối tượng khách hàng người nước ngoài và Việt kiều với giá bán chỉ khoảng 1,3 tỷ đồng/căn có 2 phòng ngủ. Ông Nuyễn Dư Lực, Tổng Giám đốc Hưng Lộc Phát, cho biết khu đô thị Nam Sài Gòn, tâm điểm là Phú Mỹ Hưng có số lượng người nước ngoài, Việt kiều cư trú lớn nhất nước hiện nay.
Ông Lực cho rằng đối với người nước ngoài, Việt kiều khi mua nhà tại Việt Nam, ngoài việc quan tâm về mức giá, các yếu tố về an ninh an toàn, các dịch vụ tiện ích, đặc biệt trường học và môi trường sống cho con cái được đặt lên hàng đầu. Tất cả điều này các dự án của công ty đều đáp ứng được.
Khách hàng nước ngoài tìm hiểu mua nhà tại các dự án của Novaland. Ảnh: LONG THANH
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: