Top

Doanh nghiệp địa ốc muốn nới 'room' cho người nước ngoài

Cập nhật 15/09/2015 10:33

Quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu 30% lượng căn hộ trong một dự án và không quá 250 căn nhà trên một phường, theo Phó giám đốc Công ty Đất Lành, Nguyễn Văn Đực là xa rời thực tế và không phù hợp.

Tại Hội thảo "Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 14/9, ông Đực phân tích, Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 vẫn còn điểm bất hợp lý. Một trong số đó là quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong chung cư và không quá 250 căn nhà trong một phường.

"Thực tế có không ít trường hợp người nước ngoài sở hữu vượt mốc giới hạn này nhưng tình hình trật tự trị an và quản lý tòa nhà vẫn rất tốt", ông cho hay. Cụ thể, tại cụm chung cư Thái An 2 do công ty Đất Lành làm chủ đầu tư có 70% người nước ngoài thuê và thuê mua, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Nếu tính cả cụm chung cư Thái An 1, 2, 3, 4 đã có hơn 250 người nước ngoài mua và về đây sinh sống.

Như vậy, chỉ với thống kê sơ bộ một dự án gồm 4 cụm chung cư đã có lượng người nước ngoài mua nhà vượt ngưỡng cho phép của Luật Nhà ở. Trong khi đó do đặc thù riêng tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số một phường tại TP HCM khá lớn, có khi lên đến hàng trăm nghìn người. Đó là chưa kể mỗi phường có thể có năm bảy hoặc mười dự án, rất khó siết chặt số lượng nhà người nước ngoài được phép sở hữu. "Như vậy không thể đưa ra mức giới hạn thiếu kiểm chứng từ thực tế vì làm vậy là chưa đầy đủ cơ sở khoa học, mang tính áp đặt", ông Đực nói.

Theo chuyên gia này, trong trường hợp dự án có vị trí thuận tiện cho quá trình làm việc nên người nước ngoài tập trung về, hình thành một cộng đồng văn minh, tiến bộ, nhộn nhịp mà lại cấm họ mua nhà thì càng vô lý. Lấy ví dụ, Phú Mỹ Hưng cũng là đô thị đáng sống thu hút nhiều người nước ngoài về đây an cư. Nếu chỉ vì các chỉ số cứng nhắc này mà cấm họ mua nhà là đi ngược lại với tinh thần thông thoáng của Luật Nhà ở. "Các bộ, ngành liên quan nên xem xét lại hạn mức sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài", ông Đực kiến nghị.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều chướng ngại vật vô hình đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vũ Lê

Ngoài ra, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cũng khuyến cáo các doanh nghiệp bất động sản không nên ảo tưởng rằng khách ngoại hay người Việt Nam ở nước ngoài rủng rỉnh tiền về nước mua nhà rồi chạy đua xây nhà cao cấp để đón sóng. Họ có rất nhiều thành phần. Có người mua được nhà từ vài trăm nghìn đến cả triệu USD, nhưng cũng có nhiều người chỉ mua nhà bình dân vài chục nghìn đôla để hồi hương dưỡng già. "Đừng quá sa đà vào nhà cao cấp mà hãy đa dạng phân khúc", ông Đực khuyến nghị.

Đồng quan điểm với ông Đực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, Nguyễn Xuân Quang cho rằng người Việt ở nước ngoài cũng như người ngoại quốc có nhiều mức thu nhập và khả năng chi trả khác nhau. Không phải ai cũng có nhiều tiền mang đến Việt Nam để đầu tư. Do đó, chuyên gia này kêu gọi các doanh nghiệp cần phải xem xét, nghiên cứu nhiều nhóm đối tượng tượng với những nhu cầu mua nhà đa dạng để cung ứng hàng hóa đúng với mục tiêu của người dùng hơn.

Mặt khác, ông Quang đặc biệt nhấn mạnh đến nhiều thách thức đang chờ đón thị phần nhà ở dành cho nhóm đối tượng khách hàng này. Ông đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt hạn chế sức hấp dẫn người Việt ở xa Tổ quốc và người nước ngoài về đây đầu tư địa ốc.

Những năm 1990-2000, chủ quyền pháp lý nhà ở dành cho nhóm khách hàng này vẫn còn mơ hồ. Hiện nay khi chính sách đã trở nên thông thoáng hơn, thị trường bất động sản đã "phẳng" hơn, các khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ toàn diện.

Nút thắt quan trọng hiện nay là chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành việc bán nhà cho người nước ngoài. Các thủ tục hành chính còn nhiều khâu rườm rà, mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên theo ông Quang, thách thức lớn nhất chính là chất lượng cuộc sống tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các chỉ số cạnh tranh, khả năng sinh lời, thanh khoản, hậu mãi... của thị trường bất động sản trong nước vẫn còn thua kém nhiều nước. "Đây là những rào cản có thể khiến người nước ngoài và cả kiều bào vẫn còn ngập ngừng chưa dám mạnh tay rót vốn đàu tư", ông nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress