Sau hơn năm năm thực hiện qui định cho phép Việt kiều (VK) mua nhà ở tại VN, theo Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, mới chỉ có 100 VK mua được nhà (TP.HCM có khoảng 70 trường hợp).
Trong khi đó, ước tính có 100.000 VK muốn mua nhà trong nước.
Tắc khâu hướng dẫn
Nghị định 81 ban hành năm 2001 qui định người được mua nhà ở trong nước gồm bốn đối tượng: người về đầu tư lâu dài tại VN; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại VN; người có nhu cầu về sống ổn định tại VN.
Nhưng theo Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường và đăng ký nhà đất TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), trong khoảng 70 trường hợp được mua nhà tại TP, phần lớn là nhà đầu tư, nhà khoa học, các đối tượng còn lại rất ít.
Nguyên nhân do đối tượng mua nhà chưa mở rộng. Mặt khác qui định trên cũng giới hạn số lượng nhà được mua: VK chỉ sở hữu một căn nhà (dạng căn hộ, nhà, biệt thự) để ở.
Nghị định 90 (hướng dẫn thi hành Luật nhà ở, hiệu lực từ 8 - 10 - 2006) đã mở ra hướng thoáng hơn cho VK: ngoài nhu cầu mua để ở, bốn đối tượng trên còn được nhận tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở như người VN trong nước, không hạn chế số lượng nhà ở được sở hữu.
Riêng VK không thuộc các trường hợp đã nêu mà về VN cư trú từ sáu tháng trở lên cũng được mua một căn nhà riêng lẻ hoặc căn hộ. Tuy nhiên đến nay, chưa có trường hợp nào thuộc diện trên được giải quyết.
Chiều 6 - 3, ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an xác nhận về thời hạn cư trú của VK. Ông Hà khẳng định chính vì điều này mà Luật nhà ở có hiệu lực từ 1 - 7 - 2006 dù đã mở ra chiều hướng rất thuận lợi cho VK mua nhà tại VN nhưng thực tế vẫn chưa biến chuyển được.
Ông Nguyễn Việt Thuận, phó chủ nhiệm Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM, nói một số trường hợp phát sinh cần có hướng dẫn cụ thể như VK được về ở sáu tháng nhưng chỉ ở 4 - 5 tháng, hay về ở ba tháng nhưng sau đó xin gia hạn nhiều lần với thời gian ở liên tục trên sáu tháng thì giải quyết ra sao?
Vẫn theo qui định cũ
Cũng theo Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM, qui định cũng yêu cầu người được mua nhà phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau: có giấy xác nhận đăng ký công dân VN, giấy chứng nhận có quốc tịch VN, giấy xác nhận mất quốc tịch VN. Những loại giấy này do cơ quan đại diện ngoại giao của VN ở nước ngoài cấp.
Nhưng thủ tục này cũng khá nhiêu khê và mất nhiều thời gian, do yêu cầu phải có các giấy tờ gốc (giấy chứng minh nhân dân, khai sinh…) để chứng minh. “Đa số VK đã đi lâu năm, không còn lưu giữ những loại giấy tờ này” - một cán bộ cơ quan trên cho biết. Đó cũng là lý do cản ngại, gây nản lòng cho nhiều VK khi có ý định mua nhà ở tại VN...
Ông Phan Văn Cheo, trưởng Phòng Công chứng số 1 TP.HCM, nói kể từ khi nghị định 90 có hiệu lực, nhiều VK đến hỏi thủ tục mua nhà theo qui định mới nhưng phòng chưa giải quyết do chờ hướng dẫn. “Hiện tại chúng tôi chỉ giải quyết mua nhà ở cho bốn đối tượng theo qui định tại nghị định 81” - ông thông tin.
Phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB Võ Đình Quốc đề xuất: hướng dẫn mua nhà ở đối với VK cần thoáng hơn nữa để nhiều người cùng tham gia. Bởi có thực tế, qui định “mở” đến khi hướng dẫn thì “siết” lại, khiến nhiều người thêm thất vọng.
Theo một VK đang là giám đốc công ty đầu tư tại VN, ước tính có khoảng 100.000 VK muốn mua nhà trong nước với giá trung bình 100.000 USD/căn. “Nếu chúng ta tạo điều kiện cho 100.000 VK về mua nhà ở trong nước với giá trị căn nhà như trên thì chúng ta có khoảng 10 tỉ USD. Việc này không chỉ góp phần phát triển thị trường bất động sản mà còn kéo theo thu hút đầu tư, chất xám, tạo ra công ăn việc làm...” - một cán bộ ở TP.HCM nói.
Tuấn Cường
Theo Phúc Huy, Đỗ Hữu Lự - Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: