Các phòng công chứng trên địa bàn TPHCM sẽ thực hiện xóa bỏ địa hạt công chứng từ ngày 29-7, đó là một trong những nội dung chính của Quyết định 94 do UBND TPHCM vừa ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những lúng túng, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM
Bỏ quy định “ngăn sông”, cấm chợ!
Trước đây, TP có 6 phòng công chứng (phòng công chứng số 7 vừa có quyết định thành lập) và đều phân chia địa hạt để chứng thực giao dịch liên quan đến bất động sản. Việc UBND TPHCM mạnh dạng bãi bỏ quy định này được người dân hết sức đồng tình. Để hạn chế những trục trặc trong quá trình triển khai Quyết định 94, ngày 29-7, Sở Tư pháp TPHCM cũng đã tổ chức tập huấn cho những công chứng viên. Ngày 30-7, ghi nhận tại phòng công chứng số 2, công chứng viên đã bắt đầu nhận những hồ sơ “trái tuyến”.
Một trong những trường hợp được thu lý đầu tiên là trường hợp chuyển nhượng nhà đất của ông Nguyễn Văn T (nhà ở đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình). Nếu theo quy định trước đây, ông T phải nộp tại Phòng Công chứng số 4. Thấy quá dễ dàng, anh Nguyễn Văn Thái nhà ở khu Nancy (quận 1), sẽ đem hồ sơ thế chấp nhà sang Phòng Công chứng số 2 làm cho gần thay vì phải qua Phòng Công chứng số 1. Còn tại Phòng Công chứng số 1, tính đến 11 giờ cùng ngày, vẫn chưa có hồ sơ “trái tuyến” nào được nộp, nhưng theo một số công chứng viên, nhiều người dân có nhà, đất ở quận 2, 9, Thủ Đức, Gò Vấp… đến dò hỏi và sẽ nộp trong vài ngày tới.
“Sập” mạng dữ liệu nhà, đất!?
Nếu không có thông tin đầy đủ về những căn nhà, khu đất hiện đang bị tòa án, đội thi hành án, cơ quan điều tra đề nghị ngăn chặn việc mua, bán, chuyển nhượng mà các phòng công chứng cứ chứng bừa thì rất nguy hiểm. Để hạn chế điều này, Sở Tư pháp đã hoàn thành việc lưu trữ các dữ liệu về loại nhà , đất đang bị ngăn chặn để các phòng công chứng dùng chung. Theo đó công chứng viên có thể truy cập vào “ngân hàng” dữ liệu này để xác định hồ sơ. Thế nhưng cả buổi sáng 30-7, các công chứng viên của phòng công chứng không vào được nguồn dữ liệu này. Ông Phan Văn Cheo, Trưởng Phòng công chứng số 1, hiện trục trặc này chưa ảnh hưởng đến công việc, nhưng nếu kéo dài sẽ gây khó khăn trong việc thụ lý hồ sơ. Cũng theo ông Cheo khó khăn lớn nhất hiện nay là do cơ chế họat động của các phòng công chứng trước đây không có sự liên thông, nên địa hạt này không biết được các hồ sơ giao dịch của các địa hạt khác. Hiện “ngân hàng” dữ liệu chưa cập nhật thông tin về các trường hợp đã và đang giao dịch, điều này gây khó khăn cho công chứng viên.
Một lãnh đạo Phòng Công chứng số 2, dự báo nếu trước đây thời gian thụ lý cho một hồ sơ công chứng trong địa hạt quản lý chỉ mất 3 ngày, thì nay do xác minh ở các địa hạt khác nên có thể đến 10 ngày. Mặt khác, không loại trừ những trường hợp đã thực công chứng tại phòng này vẫn có thể đến phòng công chứng khác thể hiện sự giao dịch … “Nếu không có sự liên thông, xử lý, khi bộ máy chạy chưa trơn tru, một số kẻ xấu có thể lợi dụng” lãnh đạo này nói.
Các Phòng Công chứng không được gây khó khăn cho dân
Theo báo cáo của các phòng công chứng, đến ngày 30-7 mới nhận được 3 hồ sơ giao dịch bất động sản khác địa hạt trước đây. Việc hoạt động trục trặc của “ngân hàng” dữ liệu nhà, đất bị ngăn chặn đã được khắc phục. Việc xây dựng “ngân hàng” dữ liệu các loại giao dịch bất động sản đã và đang giao dịch tại TPHCM là cần thiết, nhưng các phòng công chứng không ngại lý do này để làm khó dân, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ xin công chứng, chứng thực. Bởi theo luật công chứng, ngoài việc xem xét giấy tờ, các công chứng viên phải xác định nhà, đất có thực sự tồn tại trong phần giao dịch trong thực tế. Trong quá trình kiểm tra như vậy, công chứng viên đã có thể xác minh pháp lý, các giao dịch, liên quan đến bất động sản mà mình đang thụ lý hồ sơ. T.Nguyễn
Theo K.Long - Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: