Top

Dự án Trung tâm TDTT Q.Bình Thạnh: Đền bù sai - nhầm lẫn hay khuất tất ?

Cập nhật 30/07/2007 14:00

Mua đất năm 1991, được UBND phường xác nhận, UBND quận cho phép xây dựng nhưng chưa kịp xây thì “vướng” phải quy hoạch. Chờ bồi thường thì tiền đã "chạy" vào túi người bán đất cho mình... 16 năm về trước! Đó là trường hợp mà bà Anh Hoa và ông Yên Dy quận Bình Thạnh đang vướng phải.

Tháng 7.1990, bà Nguyễn Thị Anh Hoa và ông Hoàng Yên Dy mua lại của bà Nguyễn Thị Tý (cư ngụ P.25, Q.Bình Thạnh) một khoảnh đất rộng 1.400m2 thuộc thửa 181, tờ bản đồ số 1, P.25, Q.Bình Thạnh. Theo đó, bà Hoa nhận 1.000m2 và ông Dy nhận 400m2. Cả hai đều đã nộp tiền đầy đủ cho gia đình bà Tý theo hai đợt vào ngày 31.7.1990 và ngày 2.4.1991, được UBND P.25, Q.Bình Thạnh xác nhận.

Việc mua bán đã xong, ngày 5.5.1991, bà Hoa và ông Dy được chấp thuận cho xây nhà thông qua tờ trình số 285/PXD, 286/PXD của Phòng Xây dựng trình lên UBND Q.Bình Thạnh ký. Trong đó ghi rõ ý kiến của UBND quận: "Đất khu quy hoạch, không được xây cất kiên cố, tự giác giải tỏa. Không thu tiền". Cho đến thời điểm này, UBND P.25 và UBND Q.Bình Thạnh vẫn xác định rõ đây là đất của bà Hoa và ông Dy, được phép xây dựng không kiên cố và không thu tiền xây dựng. Cần phải nói rõ thêm rằng vào năm 1991, việc mua bán đa số làm giấy tay (giấy thỏa thuận việc mua bán do hai bên ký). Trường hợp này còn được UBND phường xác nhận việc mua bán. Yên tâm hơn, bà Hoa và ông Dy còn được UBND quận cho phép xây nhà. Như vậy tại thời điểm 1991 việc mua bán đã có được những giấy tờ như nêu trên thì xem như khá đầy đủ và hợp pháp.

Do hoàn cảnh khó khăn nên mãi đến năm 2005, khi định xây nhà thì bà Hoa và ông Dy được biết khu đất của mình đã nằm trong khu quy hoạch xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao của quận. Cả hai hộ chấp hành theo quy hoạch, không xây nhà, chờ sự giải quyết của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng đến nay công tác đền bù giải tỏa gần như hoàn tất, Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng cũng đang chuẩn bị bàn giao cho chủ đầu tư để thi công, thế nhưng bà Hoa, ông Dy vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Lạ lùng hơn nữa là họ được biết bà Tý, người đã bán đất cho họ 16 năm về trước đã nhận số tiền đền bù cho phần đất đó đến hơn 1 tỉ đồng. Tiếp đó, bà Hoa và ông Dy lại nhận thông báo là sẽ "được" hoàn trả lại 14 triệu đồng, đúng với số tiền mà họ đã mua đất ngày đó (!).

Quá bức xúc, bà Hoa và ông Dy khiếu nại thì được UBND Q.Bình Thạnh trả lời như sau: "Không thừa nhận việc sang nhượng đất giữa bà Nguyễn Thị Quý (con của bà Nguyễn Thị Tý) và UBND P.25 vào năm 1991... Việc bà có nộp tiền cho UNBD P.25 để sang nhượng giùm đất của bà Tý là giao dịch dân sự, do việc giao dịch chuyển nhượng không thành, UBND P.25 có trách nhiệm hoàn lại cho bà số tiền đã nộp. Đề nghị bà liên hệ tại UBND P.25 để được giải quyết nhận lại tiền. Trường hợp bà không đồng ý nhận lại tiền và những phát sinh liên quan đến giao dịch giữa UBND P.25 với bà, là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án".

Về việc mua bán, xác nhận giữa bà Hoa, ông Dy với bà Tý thì được "giải thích": "Vào năm 1991, bà có nộp 10 triệu đồng cho UBND P.25, Q.Bình Thạnh để phường nhận chuyển nhượng giùm 1.000m2 đất nông nghiệp từ bà Nguyễn Thị Quý. Ngày 2.4.1991 UBND P.25 đã giao số tiền cho bà Quý. Việc bà Nguyễn Thị Quý ký nhận tiền từ UBND P.25 lúc bấy giờ không có giấy ủy quyền của bà Nguyễn Thị Tý và các thành viên khác trong gia đình, do đó việc giao dịch này là không hợp pháp".

Thực sự, trong công văn báo cáo về việc bồi hoàn 2.000m2 đất cho bà Nguyễn Thị Tý của UBND P.25 gửi cho Thường trực UBND quận và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh ngày 17.4.2006 đã nêu rõ rằng UBND P.25 đã thương lượng đền bù cho bà Nguyễn Thị Tý, gia đình bà Tý cũng đã nhận tiền bồi hoàn vào ngày 3.4.1991. Và ở đây, văn bản nêu rõ là gia đình bà Nguyễn Thị Tý chứ không phải bà Quý. Vậy mà UBND Q.Bình Thạnh đẩy hết trách nhiệm về cho UBND P.25. Thực chất, việc mua bán giữa ông Dy, bà Hoa với bà Tý đã được UBND phường chứng nhận. Chính UBND Q.Bình Thạnh đã ký tờ trình của Phòng Xây dựng về việc chấp thuận cho bà Hoa, ông Dy xây nhà. Đến nay, rơi vào trường hợp bị giải tỏa thì lại đền bù cho chủ cũ.

Trường hợp này, nguyên nhân bắt nguồn từ sự tắc trách hoặc khuất tất của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng trong bước điều tra cơ bản khi đền bồi. Từ đó gây ra bất công, uất ức cho ông Dy và bà Hoa. Sự việc khi có khiếu nại, UBND Q.Bình Thạnh tiếp tục biện bạch cho những sai trái của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Văn bản của UBND quận đã biến việc UBND phường chứng nhận việc mua bán giữa hai bên 16 năm trước trở thành chuyện UBND phường "nhận chuyển nhượng giùm" là không đúng thực tế khách quan, lại còn hướng dẫn chuyển vụ việc sang tòa án giải quyết là một kiểu "đánh bùn sang ao". Chính những cách giải quyết chưa "thấu tình đạt lý" như trên làm người dân phải đi khiếu kiện... dài dài.

Theo Minh Hùng - Thanh Niên