Top

Xin cấp “giấy hồng” mới

Cập nhật 20/07/2007 17:00

Nhập khâu kiểm tra bản vẽ vào quy trình cấp giấy

Sau 3 tháng triển khai việc cấp “giấy hồng”, nhiều quận, huyện vẫn tiếp tục “kêu ca”về bản vẽ và Sở Xây dựng đã đồng ý điều chỉnh quy trình cấp giấy để người dân đỡ nhọc nhằn.

Tiếp tục sử dụng bản vẽ 207

Theo quy định của UBND TP.HCM, các quận, huyện phải sử dụng lại bản vẽ 207 (được lập theo Quyết định 207 về sử lý nhà trái phép) để cấp “giấy hồng” cho dân. Song lượng bản vẽ này khá lớn khiến nhiều nơi phải vất vả điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả (như Gò vấp có đến 7.000 hồ sơ sử dụng bản vẽ này). Ở một số nơi khác, nhiều đơn vị đo vẽ không đạt yêu cầu hoặc không đúng chức năng và các cán bộ đã phải dành thời gian chỉ dẫn người dân đo vẽ lại.

Ông Đặng Minh Nguyên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, nhận xét: việc kiểm tra bản vẽ trước khi nhận hồ sơ xin cấp “giấy hồng” theo hướng dẫn của Sở Xây dựng là không hợp lý. Vì khi Phòng Quản lý đô thị chỉ có bản vẽ mà không có hồ sơ kèm theo thì không thể biết được thời điểm xây dựng lúc nào, xây đúng phép hay sai phép… thành thử cần kiểm tra vào quá trình cấp “giấy hồng” để người dân không phải đi lại nhiều lần và cơ quan cấp giấy cũng dễ dàng làm việc.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, yêu cầu các quận, huyện phải chủ động chỉnh sửa bản vẽ 207 để phục vụ cấp ‘giấy hồng” chứ không được đẩy khó về phía người dân. Ông khen cách làm linh động một số quận (như Gò Vấp…) trong việc tự liên hệ, chia sẻ trách nhiệm với các đơn vị đo vẽ và điều chỉnh bản vẽ.

Để nhân rộng cách làm này, Sở Xây dựng sẽ có văn bản để các quận, huyện có cơ sở để làm việc với các đơn vị đo vẽ vi phạm, quận, huyện có thể tập hợp danh sách, báo cáo cho sở này và sở Tài Nguyên và Môi trường áp dụng những hình thức xử lý phù hợp. Riêng việc kiểm tra bản vẽ, các quận, huyện có thể nhập khâu kiểm tra này vào quá trình cấp “giấy hồng”.

Chưa thực hiện Nghị định 84.

Nhiều quận, huyện cũng thắc mắc về thời điểm tạo lập đối với những nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ, mua bán giấy tay qua nhiều chủ và nằm trong khu quy hoạch. Ông Đỗ Phi Hùng giải thích: thời điểm tạo lập nhà để cấp “giấy hồng” chính là thời điểm người xin cấp giấy mua bán, tặng cho nhà…

Liên quan đến phải đổi “giấy trắng” mới được giao dịch nhà, đất (áp dụng kể từ ngày 1-1-2008), Sở Xây dựng thống nhất quy định này được thực hiện đối với cả đất lẫn nhà. Các quận, huyện cần có phương án giải quyết nếu có đột biến về số lượng hồ sơ đổi giấy.

Tính sao khi Quyết định 54 và Nghị định 84 có một số khác biệt về điều kiện cấp giấy chứng nhận? Chẳng hạn, Quyết định 54 cho phép ghi tên người chết trên giấy chứng nhận (nếu chết sau khi nộp hồ sơ) nhưng Nghị định 84 thì không cho v.v… Theo Sở Xây dựng các quận, huyện có thể cấp số nhà cho những nhà xây dựng không sai phép hoặc sai phép trước ngày 1-7-2004. Việc xử lý vi phạm xây dựng nhà cho phép tồn tại công trình sẽ được tiến hành trong quá trình giải quyết hồ sơ xin cấp “giấy hồng” hoặc theo kế hoạch của quận, huỵên. Ngoài ra, nhà xây dựng sau thời điểm trên nhưng phù hợp quy hoạch cũng được cấp số nhà tạm để chính quyền dễ quản lý.

Quận Tân Phú đang giữ kỷ lục về kỷ lục “giấy hồng” đã cấp (chiếm 1/3 tổng số “giấy hồng” được cấp trên toàn địa bàn TP); kế đến là các quận Tân Bình, Thủ Đức, quận 12, quận 4, Gò Vấp… ở các huyện, người dân ít có nhu cầu cấp “giấy hồng”. Ngoài huyện Củ Chi nhận được 72 hồ sơ và cấp được “giấy hồng”, riêng Hóc Môn, Cần Giờ thì không có hồ sơ nào.

Theo Cẩm Tú - Pháp Luật