Top

Xin cấp “giấy hồng” phải dài cổ chờ bản vẽ

Cập nhật 18/07/2007 16:00

*Muốn đo vẽ phải xin giấy giới thiệu của xã để … tránh rủi ro.

*Thời gian lập bản vẽ lâu gấp đôi thời hạn cấp “giấy hồng”

Để lập bản vẽ cấp “giấy hồng”, người dân có thể nhờ các đơn vị đo vẽ sau: các công ty tư nhân, chi nhánh của Đoàn đo đạc bản đồ (thuộc sở Tài Nguyên và Môi trường) hoặc quyền đăng ký quyền sử dụng đất (với những quận, huyện có văn phòng này). Theo quy định, người dân có quyền hoàn toàn lựa chọn nơi nào để thực hiện đo vẽ cho mình.

Ở  Hóc Môn, chiếm đa số là bản vẽ của Đoàn đo đạc bản đồ như xác nhận của hai phòng Quản lý đô thị (QLĐT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và chính chi nhánh. Nhưng điều đáng nói ở đây là một số qui định “lạ” của huyện xung quanh cái bản vẽ cấp giấy “hồng”.

Tại văn phòng của chi nhánh Đoàn đo đạc bản đồ trên đường Lê Thị Hà, xã Tân Xuân có dán thông báo qui định người dân muốn ký hợp đồng đo vẽ cho bất kỳ mục đích nào đều phải có giấy giới thiệu của chủ tịch xã.

Khi được hỏi, cà hai phòng QLĐT và TN&MT, Ông Hồ Minh Dương, lý giải “Quy định này cũng có lợi cho người dân đỡ tốn kém nếu không thuộc diện không được làm giấy chứng nhận. Xã là cấp quản lý nhà đất gần nhất nên nắm rõ tình trạng nhà đất có tranh chấp không, có phải đúng chủ đi đo vẽ không … từ đó mới viết giấy giới thiệu. Nếu xét thấy không được, xã sẽ không chứng thì người dân đỡ tốn tiền mà cũng hạn chế những tranh chấp …”.Ông cũng nhìn nhận rằng việc xã giới thiệu cho Đoàn đo đạc đo dễ gây hiểu lầm rằng huyện cố ý hướng người dân đến một đơn vị duy nhất.

Tuy nhiên, ông cho biết nếu thả nổi thì cũng không ổn bởi chất lượng đo vẽ của không ít công ty ngoài rất đáng lo ngại.

Khi được hỏi tại sao xã giới thiệu cho Đoàn đo đạc mà không phải đơn vị nào khác, một phó chủ tịch xã cho biết “Do tin vào đơn vị của nhà nước, còn chất lượng của công ty ngoài ra sao thì khó biết”. Đại diện chi nhánh Đoàn đo đạc bản đồ tại huyện Hóc Môn cho biết: nếu người dân thấy phiền phức thì hoàn toàn có quyền chọn công ty khác đo vẽ, không ép buộc. Tuy nhiên, số lượng người dân đến đo vẽ tại Đòan đo đạc vẫn chiếm đa số.

Khách đông, quá tải nên người dân chờ cả nửa tháng trời mới có nhân viên xuống đo vẽ. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ của chi nhánh cho biết từ lúc ký hợp đồng cho đến khi có một bản vẽ hoàn chỉnh (được duyệt, kiểm định) thì phải mất hai tháng rưỡi. Thời gian này dài hơn gấp đôi số ngày cấp “giấy hồng” theo Quyết định 54 của thành phố (30 ngày làm việc)!

Phòng QLĐT huyện Hóc Môn cho biết lý do là bản vẽ phải qua quá nhiều khâu: vừa kiểm duyệt tại Phòng QLĐT về quy hoạch, vừa kiểm định tại Trung tâm đo đạc bản đồ về ranh, lô, thửa.

Nơi này cho rằng đặc thù của huyện là tình trạng tự ý tách thửa, cất nhà rồi xin cấp giấy chứng nhận; rằng bản vẽ tại Hóc Môn vì thế phức tạp hơn bản vẽ thành phố quy định. Bản vẽ của quyết Định 54 bỏ hẵn việc xác định vị trí chỉ phù hợp với các quận nội thành, nhìn số nhà là biết ngay vị trí. Nhưng ở Hóc Môn, nếu không xác định vị trí thì không biết được đó là nhà nào.

Được biết, một số quận, huyện ngoại thành có đặc điểm tương đồng với Hóc Môn như Bình Chánh, Bình Tân, bản vẽ cấp giấy “giấy hồng” chỉ kiểm tra nội nghiệp ở phòng QLĐT hoặc TN&MT, không qua kiểm định. Nhiều quận, huyện khác như Bình Thạnh, Tân Phú… lồng ghép luôn việc kiểm duyệt bản vẽ, cho số tờ, số thửa này trong quá trình cấp giấy chứ không tách làm hai quá trình như Hóc Môn.

Dù đặc thù ở Hóc Môn phức tạp hơn nhưng sự “khác biệt” trên liệu có hợp lý? Thủ tục muốn đo vẽ phải có giấy giới thiệu của xã không rõ xuất xứ từ đâu nhưng lại thành tiền lệ từ gần chục năm qua nay là bất hợp lý.

Cho dù việc kiểm định, kiểm duyệt bản vẽ là cần thiết nhưng không thể vì thế mà người dân phải mất mấy tháng trời chờ đợi.

Theo Cẩm Tú - Luật Pháp