Top

TP.HCM: Nhiều thách thức với bài toán không gian ngầm

Cập nhật 04/10/2019 08:00

Với áp lực gia tăng dân số và sự quá tải hạ tầng đô thị, việc xây dựng và khai thác không gian ngầm được xem là định hướng đúng đắn, song TP.HCM đang gặp rất nhiều thách thức khi triển khai thực hiện.



Hướng đi đúng nhưng không dễ thực hiện

Quy hoạch và phát triển không gian ngầm là một điều tất yếu trong phát triển đô thị. Trong đô thị hiện đại, theo các chuyên gia công trình ngầm chiếm 20% - 25% tổng số lượng các dạng công trình. Nhận thức được điều này, từ năm 2012, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu có diện tích 930ha (vùng lõi), trong đó đã quy hoạch không gian ngầm chủ yếu là ở quận 1.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, việc thiết lập và phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là yêu cầu cấp thiết, nhằm định hướng cho việc quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng và đảm bảo tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả trong tương lai. Sự hình thành và phát triển của hệ thống metro cùng với các công trình ngầm đã đặt ra yêu cầu quản lý, kết nối, khai thác hiệu quả không gian ngầm là rất cấp bách.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Hoàng Tùng cho rằng, đến nay, TP.HCM vẫn chưa tận dụng được các không gian ngầm, nếu có cũng mang tính chất riêng lẻ, chưa tính đến các yếu tố kết nối hài hòa về tổng thể các chức năng.

Cụ thể, TP.HCM đang xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại ngầm, nhưng nghịch lý lại chưa có quy hoạch không gian ngầm nên việc xây dựng đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do khi thi công đụng phải nhiều hệ thống ngầm như cáp điện, đường ống nước, cáp viễn thông…

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện tại có tình trạng mạnh ai người nấy quản từ điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước, chống ngập… Điều này đã tạo sự rời rạc trong quy hoạch không gian ngầm. Một khi thiếu cơ sở dữ liệu chung về quản lý các công trình ngầm hiện hữu thì sẽ là rất khó cho thành phố lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm đầy đủ và hoàn chỉnh.

“Ở các đô thị như London, Hong Kong, Thượng Hải… không gian ngầm có sự liên thông giữa các tầng hầm, các tòa cao ốc. Dưới các tầng hầm có đủ tiện ích ăn uống, mua sắm, tiện nghi… là không gian mở, phục vụ cho người dân chứ không riêng gì việc đi lại. Không gian ngầm phải đa năng chứ không phải chỉ là không gian quy hoạch thuần túy.

Việc liên thông các tầng hầm cao ốc phải tính từ trước, như tuyến metro phải liên thông với các tầng hầm cao ốc để khi phê duyệt 1/500, cấp phép thì làm theo định hướng đó. Nếu như bây giờ không đầu tư được, phải dự trù cho tương lai, khi nào có điều kiện thì mở ra. Việc này không dễ thực hiện vì hồ sơ, số liệu phân tán, không được lưu trữ và quản lý tập trung.

Trước đây, thành phố đồng ý cho xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tầng hầm của tòa nhà 171 Đồng Khởi và 72 Lê Thánh Tôn (quận 1) để thêm lối thoát nạn.Tuy nhiên, sau một năm thiết kế, tìm hiểu thì phát hiện khu vực này có hệ thống cấp nước chính của thành phố đi qua nên đành gác lại”, ông Hiệp nói.

Cần lộ trình phù hợp​

Tại hội thảo về quy hoạch không gian ngầm TP.HCM, do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM tổ chức cách đây không lâu, TS.KTS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, khai thác không gian ngầm là xu hướng các nước đều tranh thủ sử dụng, đặc biệt là không gian ngầm xung quanh các ga metro, Việt Nam cũng sẽ làm.

Thế nhưng, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Xây dựng không gian ngầm cần có khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn cùng với vấn đề khống chế không gian ngầm các tuyến metro. Việc xác định khu vực nào xây được, phát triển theo hướng, tuyến nào, xây cái gì, ở đâu không chỉ tránh được các rủi ro có thể xảy ra mà còn phát huy được hết hiệu quả của các công trình ngầm.

Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch. Ban đầu, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý… Chẳng hạn sâu bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng cái gì.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiệp cũng nói rằng, để quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM, bài toán đặt ra hiện nay là tìm đơn vị làm đầu mối tập hợp đầy đủ dữ liệu để dễ quản lý chung, đồng bộ toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường dây điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước... để từ đó phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển không gian ngầm nói chung.

Được biết, theo quy hoạch xây dựng chung TP.HCM, đến năm 2025, được Thủ tướng phê duyệt, đã đặt ra yêu cầu phát triển không gian ngầm. Cụ thể, trong việc thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu của thành phố dự định sẽ xây dựng các tuyến đường ngầm xuyên trung tâm cho dòng xe từ hướng Nam qua hướng Đông và ngược lại.

Theo đó, thành phố sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm với hơn 73 km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm. Vì thế, việc khai thác không gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP.HCM nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác. Chính vì vậy, định hướng không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng.

DiaOcOnline.vn – Theo Reatimes