Sau gần 6 tháng triển khai, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng được đánh giá là quá chậm, không như kỳ vọng của giới kinh doanh BĐS lẫn người mua nhà.
Tại TPHCM, nhu cầu mua nhà xã hội rất lớn nhưng số người được vay còn khá khiêm tốn. Có ý kiến cho rằng với tốc độ giải ngân như hiện nay, có thể dẫn đến tình trạng... tồn kho gói 30.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết một số địa phương như Phú Yên, Đà Nẵng đã giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội lẫn cho người vay mua lớn hơn TPHCM, đô thị lớn nhất nước, là vấn đề cần xem xét lại. Phải chăng thủ tục ở TPHCM phức tạp hơn ở các địa phương kia?
Phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án nhà ở xã hội của CTCP Địa ốc Hoàng Quân, chị H., một điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, cho biết việc xác định “chưa có nhà” rất phức tạp. Theo quy định chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận, nhưng nhiều lần liên hệ lãnh đạo phường đều từ chối. Họ chỉ có thể “xác nhận chữ ký” của chị chứ không thể xác nhận chị có nhà hay chưa.
Cuối cùng, chị được Sở Y tế (cơ quan chủ quản nơi chị công tác) xác nhận. Việc từ chối xác nhận của phường không phải không có cơ sở, bởi họ không có dữ liệu nào để biết chị H. đã có nhà hay chưa.
Ông Nguyễn Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết gói 30.000 tỷ đồng thực hiện trên quy mô toàn quốc và không phân chỉ tiêu cho các địa phương, sẽ giải ngân theo thực tế phát sinh, ai vay trước sẽ được giải ngân trước, giải ngân cho đến khi nào hết 30.000 tỷ đồng sẽ chấm dứt.
Thời hạn giải ngân cũng chỉ 3 năm, tức đến tháng 6-2016 là kết thúc. Như vậy, ai xong thủ tục trước được vay trước chứ hoàn toàn không có chuyện phân bổ hay ưu tiên TP lớn hay địa phương nhỏ. Và cũng hoàn toàn không có chuyện phải giải ngân cho hết 30.000 tỷ đồng nói trên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TPHCM số người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà xã hội lên đến hàng chục ngàn người, nhưng nếu thủ tục quá nhiêu khê họ sẽ không tham gia mà chuyển sang các dự án nhà ở thương mại giá mềm. Tỷ lệ giải ngân cho người mua nhà từ gói này đến thời điểm này còn quá ít. Nếu không đơn giản hóa thủ tục liệu có dẫn đến tình trạng “tồn kho”?
Ông Ngyễn Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đáp ứng nhu cầu của người mua nhà, tất cả các khâu, ban, ngành cần có giải pháp chủ động hơn. Hội đồng xét duyệt ở các quận, huyện không chỉ có vai trò xét duyệt mà cần nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó mới có giải pháp tốt hơn.
Tại TPHCM, hiện nay đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội. Đồng thời sẽ thực hiện hơn 500 căn nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp là 171 Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) 147 căn và Trịnh Bình Trọng (Tân Phú) quy mô 418 căn.
Do vậy nếu không tháo gỡ nút thắt, tình trạng tồn kho gói 30.000 tỷ đồng là hoàn toàn có cơ sở, vì chỉ còn 30 tháng nữa sẽ khóa sổ việc giải ngân.
DiaOcOnline.vn - Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: