Một khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội. Ảnh: LN |
Một trong những yêu cầu đặt ra khi ban hành Luật Thuế nhà đất là hạn chế tình trạng đầu cơ. Nhưng tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 chiều 28/9, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần xem lại khái niệm "đầu cơ".
Đầu cơ hay đầu tư?
Ông Trần Hồng Việt, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang lấy ví dụ, giả sử ông có một gói tiền và đem đi mua vàng sẽ không bị đánh thuế, trong khi nếu mua nhà, đất thì phải chịu thuế.
"Đầu cơ có phải vi phạm pháp luật không? Thế nào là đầu tư, thế nào là đầu cơ? Tại sao không chống đầu cơ vàng mà lại chống đầu cơ nhà đất? Ở đây nên đặt mục tiêu là điều tiết giữa các thành phần trong xã hội", ông Việt nói.
Một thành viên khác của Ủy ban nêu quan điểm, trong kinh tế thị trường, không có khái niệm đầu cơ. Vị đại biểu này dẫn chứng, giả sử cùng có 1 tỷ đồng, nếu giữ tiền lại thì không bị đánh thuế nhưng nếu mua nhà để sở hữu như một tài sản thì lại phải chịu thuế nhà, đất. Vậy rất cần phải xem lại khái niệm đầu cơ và mục đích của dự luật.
Trước những câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ nói vắn tắt, ban soạn thảo đã căn cứ vào Nghị quyết 21 của Ban chấp hành TƯ đặt ra yêu cầu là hoàn thiện chính sách thuế với bất động sản để ngăn chặn đầu cơ.
Trong quá trình họp thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng mức thuế suất quy định trong dự thảo luật chưa đủ mạnh để chống đầu cơ và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Vì số tiền thuế phải nộp không đáng kể so với lợi nhuận thu về.
Theo dự thảo luật, mức khởi điểm nộp thuế là 0,03%, phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức sẽ phải đóng thuế 0,09%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần nâng mức thuế suất.
Mặt khác, đầu cơ là hiện tượng tồn tại song hành cùng quá trình phát triển kinh tế.
Dự thảo luật cũng đã phân biệt hai mức thuế khác nhau với đất được đưa vào sử dụng và đất hoang hóa. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng với đất bỏ hoang và dùng sai mục đích, phải áp mức thuế lên tới 0,09%. Có như vậy mới hạn chế được việc sử dụng lãng phí.
Diện tích cơi nới không bị tính thuế?
Theo dự thảo luật, diện tích nhà, đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Nếu chưa có các loại giấy trên thì sẽ tính trên diện tích thực đang dùng.
Tuy nhiên, theo một số thành viên Ủy ban, quy định như vậy chưa chặt chẽ và không công bằng vì trên thực tế, không phải khi nào diện tích ghi trong giấy chứng nhận cũng bằng diện tích thực tế.
Tình trạng cơi nới, lấn chiếm vẫn xảy ra thường xuyên mà phần diện tích này không nằm trong giấy chứng nhận. Nhiều khi diện tích cơi nới còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm trễ. Việc xác định diện tích thực tế rất phức tạp, khó khăn. Chỉ dựa vào kê khai thì đa số không chính xác, gây thất thoát cho ngân sách. Còn nếu đo đạc, xác minh sẽ rất tốn kém và mất thời gian.
Luật quy định nhà, đất có giá trị từ trên 500 triệu đồng sẽ phải nộp thuế nhưng chưa xác định cơ quan nào sẽ thẩm định giá trị nhà.
Dự kiến, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Thuế nhà đất sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: