Top

Thận trọng khi 'nâng đời' cho huyện

Cập nhật 13/12/2022 11:40

Liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, UBND TP HCM đã thông tin chưa có chủ trương chính thức về việc này. Từ kinh nghiệm phát triển TP Thủ Đức, TP HCM cần thêm thời gian nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa - xã hội đi kèm để đi đến quyết định sau cùng.

Huyện Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong 5 huyện xin lên thành phố của TP HCM. Ảnh: Thanh Giang

Lo ngại giá đất tăng là nguyên nhân lớn nhất mà UBND TP HCM cân nhắc khi chỉ sau một thời gian ngắn cả 5 huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè) của TP HCM đều xin chủ trương lên quận hoặc thành phố.

Mới xin chủ trương, giá đất đã tăng

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thời gian qua khi một số huyện xin chủ trương xây dựng lên quận hoặc thành phố đã xảy ra hiện tượng “sốt” giá đất. Việc các huyện tập trung quá nhiều vào mục tiêu này trước hết sẽ dễ dẫn đến phát triển tự phát, xuất hiện tình trạng đô thị không có đường sá, hệ thống cấp nước không hoàn chỉnh, không đảm bảo về hạ tầng. Hệ quả còn dẫn đến khó thu hồi khi dự án hạ tầng thật sự được triển khai.

Cũng theo ông Hoan, việc quyết định cho các huyện lên quận hay thành phố cũng không thuộc thẩm quyền của UBND TP HCM mà sẽ do Quốc hội phê duyệt. Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại hình và địa phương nếu đủ điều kiện về dân số, lao động, công nghiệp, dịch vụ, kinh tế... mới được xem xét.

Về hiện tượng tăng “ảo” giá nhà đất từ tác động chủ trương các huyện của TP HCM xin lên quận hoặc thành phố đã được khảo sát bởi nhiều cơ quan, tổ chức. Trong đó, khảo sát về dao động giá bất động sản của Tập đoàn Dịch vụ bất động sản toàn diện, chuyên sâu, đổi mới (DKRA) Việt Nam công bố vào thời điểm này cho biết, giá đất tại các huyện của TP HCM đạt đỉnh giá 45-92 triệu đồng/m2, tức đã tăng ở biên độ phổ biến từ 3-20% so với thời điểm cuối năm 2020 bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Kinh nghiệm từ những vấn đề phát sinh khi “3 nhập 1” của TP Thủ Đức (sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức) sau 2 năm thành lập cũng là nguyên nhân quan trọng khiến UBND TP HCM thận trọng trong xây dựng cấp huyện lên quận hoặc thành phố.
Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) có nơi giá đất đã tới 125 triệu đồng/m2.

Góp ý trực tiếp đối với đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 sau 2 năm thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố”, ông Võ Văn Hoan chỉ ra 3 vấn đề mà đô thị này đang gặp phải. Trước hết, tính khả thi của các đồ án quy hoạch của TP Thủ Đức thời gian qua chưa cao. Do đó, quá trình quy hoạch vẫn phải nghiên cứu để xác định các cơ chế, chính sách thực hiện và khai thác có hiệu quả những gì được quy hoạch và phê duyệt. Bên cạnh đó, quy hoạch chung TP Thủ Đức cũng phải kế thừa, tiếp tục triển khai được các định hướng lớn của TP HCM, nhất là không gian đô thị thông minh, đô thị sáng tạo cũng như đồng bộ với các quy hoạch ngành và các địa phương lân cận.

“Chúng ta làm quy hoạch để tạo ra giá trị, nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân, để người dân thấy có lợi ích trong thực hiện quy hoạch và doanh nghiệp thấy đó là cơ hội để đầu tư. Việc thực hiện quy hoạch không phải cho chính quyền mà cho mỗi người dân đều được thụ hưởng từ quy hoạch đó” - ông Hoan đánh giá.

Về đề án xây dựng các huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030 được Sở Nội vụ TPHCM thông tin vào tháng 10/2022. Trong đó, ngoài việc UBND TP HCM giao UBND của 5 huyện thực hiện rà soát số liệu hiện trạng theo tiêu chuẩn đô thị thì các sở, ngành cũng được giao triển khai 5 đề án nhánh là kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị, con người đô thị và quản lý nhà nước. Dù vậy, Sở Nội vụ TP HCM cho biết, việc công bố sớm đề án dẫn đến tình trạng “mua bán đất ào ào, không tốt cho người dân”.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đề nghị, trước mắt các huyện cần nghiên cứu quy hoạch không gian, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa - xã hội… phải thật sự đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể. Khi các huyện đạt các tiêu chuẩn đó, UBND TP HCM mới có cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét mô hình phù hợp với từng huyện. Đề nghị các huyện trong giai đoạn hiện nay không đề xuất hoặc kiến nghị UBND TP HCM để xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố.

Xung quanh việc thận trọng trong xây dựng Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM cho rằng, cần thiết nhưng tránh cầu toàn dẫn đến đánh mất cơ hội phát triển của đô thị đầu tàu cả nước.

Bà Sâm cho biết, thời điểm đầu tiên có 4 huyện xin chủ trương lên thành phố và một huyện (Nhà Bè) xin lên quận. Sau đó, nhận thấy để lên quận cần nhiều tiêu chí và ít dư địa phát triển hơn nên UBND huyện Nhà Bè cũng muốn lên thành phố trước 2030.

“Theo quy định của Trung ương, nếu địa phương đủ điều kiện lên thành phố phải đạt được các tiêu chuẩn cụ thể về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính, loại đô thị (I, II hoặc III) và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc UBND TP HCM yêu cầu các huyện phải đáp ứng trước hết đủ các tiêu chuẩn quan trọng này là hoàn toàn phù hợp” - bà Sâm chia sẻ, đồng thời cũng góp ý trong thời gian để phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định thì mỗi huyện vẫn cần tiếp tục đón đầu các cơ hội, nhất là thu hút đầu tư để đẩy nhanh đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị và thu nhập cho người dân.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH B.Homes cho rằng, các huyện xin lên thành phố hiện nay thuận lợi là có mô hình TP Thủ Đức đã thành lập được 2 năm nay để học hỏi kinh nghiệm, đánh giá hiện trạng và xây dựng mô hình phù hợp. “Chúng ta cũng đã thấy TP Thủ Đức gặp phải quá tải về khối lượng công việc, hồ sơ hành chính, dẫn đến nhiều cán bộ, viên chức, công chức nghỉ việc. Hoặc mới đây, chúng ta cũng thấy bất cập rất lớn trong đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (vốn đã tồn đọng gần 30 năm) dẫn đến các thiệt hại không nhỏ về ngân sách là các bài học đắt giá trong quá trình xây dựng và quản lý đô thị” - ông Biểu đánh giá.

Lấy trường hợp huyện Nhà Bè vào phút chót đã thay đổi từ xin chủ trương lên quận bằng mong muốn phát triển lên thẳng thành phố thuộc TP HCM thay vì lên quận, ông Lê Bá Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Lâm nhìn nhận, địa phương có lý do riêng để xin chủ trương. Đó là trong số các huyện thì Nhè Bè được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình đô thị hóa rất nhanh của quận 7 và toàn bộ khu Nam Sài Gòn. Có những khu vực của Nhà Bè, như xã Phước Kiển thậm chí được ví như đô thị Phú Mỹ Hưng 2 của TPHCM.

“Dù vậy, thực tế giá đất tăng chóng mặt tại Nhà Bè mà chính quyền TP HCM lo lắng cũng là vấn đề nan giải cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ. Giá đất tăng nhưng chất lượng cuộc sống người dân không tăng thì việc phát triển huyện lên thành phố sẽ không còn ý nghĩa” - đại diện doanh nghiệp này góp ý.

Yêu cầu các huyện không đề xuất lên thành phố

Văn phòng UBND TP HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan: Đề nghị các huyện trong giai đoạn hiện nay không đề xuất hoặc kiến nghị thành phố xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố. UBND TP HCM giao Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức thẩm định, nghiệm thu các đề án nhánh trong đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc. Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, UBND TP HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mô hình phù hợp với từng huyện.

DiaOcOnline.vn – Theo Đại đoàn kết