Top

Tạo lập đô thị chất lượng cao

Cập nhật 02/12/2008 11:07

Bộ Xây dựng vừa hoàn chỉnh và trình Chính phủ Đề án “Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, mục tiêu sẽ phát triển hệ thống đô thị Việt Nam bền vững; đảm bảo chất lượng sống của người dân đô thị ngày được nâng cao; có cơ sở hạ tầng kĩ thuật và xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường sống trong sạch, an toàn; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu vực và quốc tế; đồng thời, đến năm 2050 đô thị Việt Nam phát triển mạnh theo mô hình mạng lưới đô thị.

Quan trọng nhất là chất lượng đô thị

Năm 2025, dự báo tổng số đô thị cả nước khoảng gần 1.000 đô thị. Trong đó, đô thị từ loại I đến đặc biệt là 17 đô thị (3 đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng); đô thị loại II là 20 đô thị; đô thị loại III là 81 đô thị; đô thị loại IV là 122 đô thị, còn lại là các đô thị loại V... Ngoài ra có thêm một số khu đô thị mới (KĐTM) và khu kinh tế (KKT).

Chất lượng đô thị là tiêu chuẩn quan trọng nhất đánh giá mức độ phát triển đô thị. Chất lượng đô thị phải phù hợp cùng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia theo từng thời kì phát triển. Chất lượng đô thị bao gồm các nhóm tiêu chí: Nếp sống văn minh đô thị; Chất lượng về nhà ở, về dịch vụ hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật đô thị; Chất lượng về môi trường sinh thái; Chất lượng về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan; Chất lượng về hưởng thụ văn hóa, xã hội; Tăng trưởng GDP. Theo đó, đến năm 2015, dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 335.000ha, chỉ tiêu trung bình 95m2/người; năm 2020, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000ha, trung bình 90m2/người; năm 2025, nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 450.000ha, trung bình 85m2/người.

Tại các đô thị lớn, cực lớn có tỉ lệ đất giao thông từ 20 - 25% đất đô thị, các đô thị trung bình/nhỏ từ 15 - 18% đất đô thị; 90 - 100% dân số đô thị được cấp nước sạch vào năm 2025, với tiêu chuẩn dùng nước trung bình đạt từ 100 - 120 l/người 2015 và 150l/người năm 2025, trong đó các đô thị loại I và đặc biệt đạt từ 180 - 200 lít/người; trên 80 - 90% các tuyến phố chính đô thị được chiếu sáng và 50 - 60% được chiếu sáng cảnh quan vào năm 2025; tất cả các đô thị có hệ thống thoát nước mặt riêng, hoàn chỉnh, đồng bộ vào năm 2025; 90 - 95% chất thải rắn được thu gom và xử lý tại các đô thị từ loại I trở lên vào năm 2015 và 100% vào năm 2025; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị và hội nhập quốc gia; năm 2015 đạt 80 - 85% và 2025 đạt 100% chính quyền các đô thị từ loại III trở lên áp dụng chính quyền đô thị điện tử, công dân đô thị điện tử. Chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị năm 2015, bình quân đạt trên 15m2/người; năm 2025, đạt bình quân 20m2/người.

Phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo giai đoạn

Hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản được "Phát triển theo giai đoạn" nhằm đảm bảo sự kế thừa các ưu điểm của định hướng phê duyệt năm 1998, phù hợp với các yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước theo từng thời kì, với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Cụ thể là từ nay đến 2015 cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (ưu tiên 1), các vùng đô thị lớn và các KKT tổng hợp đóng vai trò cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia, sau năm 2015 - 2025 cho phát triển vùng đô thị hoá (vùng lãnh thổ tổng hợp) (ưu tiên 2), giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ theo địa phương để chuyển dần sang phát triển theo Mạng lưới ở mức ưu tiên 3 vào giai đoạn từ năm 2026 - 2050.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc xây dựng ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam (với Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM là các đô thị trung tâm vùng) trở thành các cực tăng trưởng chủ đạo quốc gia, những trung tâm công nghiệp lớn có công nghệ cao, trung tâm tài chính ngân hàng, viễn thông, đào tạo và y tế chất lượng cao, trung tâm dịch vụ vận tải giao thương quốc tế; phát huy thế mạnh và sức cạnh tranh của mỗi vùng kinh tế trọng điểm, để mỗi vùng đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của đất nước và trợ giúp các vùng khó khăn, nhất là các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ngoài ra, sẽ phát triển các KKT ven biển, hải đảo, gắn với việc phát triển các đô thị trở thành các KKT động lực, các cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia tại các vùng và từng địa phương; những trung tâm công nghiệp lớn, đa ngành; đầu mối giao lưu kinh tế, dịch vụ thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo; đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của đất nước và từng địa phương.

5 hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới


Thực tế cho thấy, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở nước ta đang còn những bất cập, hạn chế cần phải giải quyết, khắc phục trong thời gian tới như:

- Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế.

- Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị.

- Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.

- Hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn; tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị còn thấp, hầu hết đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị.

- Bên cạnh các vấn đề phức tạp của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm, phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị - nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên các đô thị Việt Nam còn đang đứng trước nhiều thách thức mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị; biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, phát triển bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng