Top

Sẽ cho dân sở tại xây nhà trên đất nông nghiệp

Cập nhật 19/09/2013 14:40

Điều kiện là phải có nhà trước đó. TP không giải quyết tràn lan cho những người nhận chuyển nhượng và kinh doanh đất để trục lợi.

“Câu hỏi lớn đặt ra là cái gốc vấn đề từ đâu, chính quyền đã lo rồi nhưng vì sao vẫn còn xảy ra xây dựng không phép? Dư luận phản ánh: Nhiều người dân rất cần chỗ ở nhưng đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch thì không xây nhà được nên họ không còn con đường nào khác là phải xây dựng không phép. Có đúng như vậy không?” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đặt vấn đề trong cuộc họp ngày 18-9 với các sở, ngành, quận, huyện.

Cuộc họp trên được tổ chức sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh thực trạng xây nhà không phép trong bài Muốn xây nhà hợp pháp: Không dễ! (ngày 12-9) và tổ chức tọa đàm Làm sao để người dân xây nhà hợp pháp (ngày 13-9).

Vướng tách thửa, dân ở nhà “ba chung”

“Trước nay người dân sinh sống trên mảnh đất nông nghiệp, sau đó bị một quy hoạch làm đường giao thông, làm công viên phủ lên, vậy không lẽ suốt đời người ta không thể có nhà để ở? Quy hoạch phải giữ nhưng quyền lợi của người dân cần được đảm bảo” - ông Tín nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay: Ở các huyện ngoại thành, việc xây dựng của người dân trên đất nông nghiệp có hai cái vướng: quy hoạch và tiêu chuẩn được xây dựng. “Ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn thì gặp tình trạng phù hợp quy hoạch nhưng bị vướng về diện tích tách thửa không phù hợp nhu cầu của người dân. Người dân không đủ tiền để mua một thửa đất đủ chuẩn 80-100 m2 theo quy định về tách thửa tại Quyết định 19/2009 của UBND TP. Nếu chủ đầu tư có làm đúng như yêu cầu thì các nền đất cũng không bán được vì vượt quá khả năng của nhiều người” - ông Hà nhận xét.

Người dân sở tại đang sử dụng đất được ưu tiên giải quyết xây nhà trên đất nông nghiệp khi có nhu cầu bức bách về nhà ở. Ảnh: HTD

Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin: Những trường hợp chính đáng như cho con ra ở riêng, di dời người dân khỏi hệ thống kênh rạch, không đủ điều kiện tái định cư… thì huyện đã giải quyết. “Nhưng nguyên nhân sâu xa của vi phạm xây dựng là người lao động nhập cư hoặc bị giải tỏa bởi các dự án có nhu cầu về chỗ ở và tập trung ở vùng ven như huyện Bình Chánh. Nếu mua đất phù hợp quy hoạch thì giá không rẻ, đất dự án lại càng mắc hơn. Chỉ có đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch là rẻ, phù hợp khả năng của đa số người lao động” - ông nhận xét.

Ông Nhật cũng đồng ý với nội dung bài báo “Muốn xây nhà hợp pháp: Không dễ!” là người dân gặp vướng mắc về tách thửa. Ông cho hay có những khu vực ở huyện Bình Chánh giá đất rất cao, người lao động chỉ có khả năng mua và xây dựng trên diện tích đất 40 m2. Tuy nhiên, họ không được giải quyết vì không thỏa điều kiện của Quyết định 19/2009. “Chính vì thế mới có tình trạng ở huyện Hóc Môn có dạng nhà ba chung: chung cửa, chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng vì diện tích tách thửa quá khả năng của người lao động” - ông kể.

Chỉ giải quyết cho dân sở tại

Đại diện Sở TN & MT TP.HCM đồng tình với những phân tích của các quận, huyện về nhu cầu chỗ ở và lý do xây dựng không phép của người dân. Về quy định tách thửa, vị này cho rằng Quyết định 54/2012 điều chỉnh Quyết định 19/2009 cho phép địa phương giải quyết tách thửa dưới chuẩn nhưng không nhỏ hơn 25 m2 đối với đất ở. “Tuy nhiên, quy định này chỉ giải quyết cho những trường hợp đặc biệt như gia đình khó khăn… Còn đối tượng nhận chuyển nhượng thì không được áp dụng” - ông Đoàn Nhật cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, trường hợp người dân địa phương có đất nông nghiệp và bức xúc về chỗ ở đã được TP giải quyết về xây dựng và tách thửa. “TP đã có văn bản chỉ đạo nhưng có vẻ như các địa phương không thực hiện đúng nên người dân vẫn còn kêu” - ông nhận xét.

Ông Tín khẳng định, chủ trương của TP là giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân sở tại đang sử dụng đất nhưng không giải quyết tràn lan cho những người nhận chuyển nhượng, kinh doanh để trục lợi. “Người dân sở tại có nhu cầu về nhà ở thì tại sao không cấp phép cho họ xây? Riêng những trường hợp từ nơi khác đến xây dựng không phép thì phải kiên quyết xử lý. Không thể đánh đồng giữa người dân sinh sống tại đó mấy chục năm với người mua giấy tay mới đến” - lãnh đạo TP lưu ý.

Ông Tín cũng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng cho địa phương. “Thực hiện chỉ đạo của TP, Sở Xây dựng sẽ khẩn trương làm việc với các quận, huyện đang gặp vướng mắc trong cấp phép xây dựng như huyện Hóc Môn” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay.


Ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho hay huyện đang gặp bối rối trong việc xử lý các trường hợp xin phép xây dựng một căn, sau đó chia ra nhiều căn để bán (xem bài Xin một giấy phép, xây... chục căn nhà trên Pháp Luật TP.HCM ngày 20-8). Trường hợp lách luật nữa là chủ đầu tư xin phép xây dựng nhà trọ nhưng sau đó ngấm ngầm bán giấy tay các phòng trọ. “Huyện sẽ đăng ký làm việc với Sở Xây dựng để giải quyết những vướng mắc trên” - ông Tài nói.

Đối với đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch không được xây dựng nhà ở, Sở Xây dựng kiến nghị TP xem xét cho phép thực hiện những công trình khác như làm sân bóng, chỗ giữ xe… trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch để tránh lãng phí đất và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đất.

(Lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị tại cuộc họp)

Các quận, huyện đều đang gặp vướng ở chỗ đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư mà chưa có nhà. Nếu đất đó lại không phù hợp quy hoạch thì người dân không thể làm gì được. Quận 2 đề xuất cấp giấy chứng nhận đất ở cho người dân để từ đó giải quyết cấp phép xây dựng cho họ.

Ông HUỲNH THANH KHIẾT, Phó Chủ tịch UBND quận 2


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh