Top

Quy hoạch - mặt trái của đô thị

Cập nhật 30/01/2014 13:13

Trong những năm qua, mạng lưới đô thị không ngừng được mở rộng và sắp xếp lại theo đúng định hướng, từng bước tạo nên sự cân đối giữa các vùng miền. Đến nay, cả nước có khoảng 770 đô thị lớn, nhỏ với mức đô thị hóa khoảng 33%. Tuy nhiên, chính việc quy hoạch không đồng bộ đang làm “nhem nhuốc” bộ mặt của nhiều đô thị.

Một căn nhà siêu mỏng trên con đường mới mở tại Hà Nội. Ảnh: ST

Lem nhem vì cơ chế xin - cho

Trên thực tế, quản lý xây dựng đô thị là một quá trình thực tiễn, luôn luôn phải xử lý các tình huống cụ thể trực tiếp tại địa phương, với đặc thù khác nhau và có những biến động liên tục. Bởi vậy, quy hoạch và quản lý là những yếu tố không thể tách rời. Nhiều dự án phát triển đô thị đã được đầu tư đồng bộ tạo nên các không gian sống, làm việc tốt, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động việc làm, mất cân đối giữa các vùng đô thị hóa và vùng ven đô… và đặt ra thách thức cho công tác quản lý phát triển đô thị.

Tại hội thảo Quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định quy hoạch đô thị được nghiên cứu tích hợp đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường, những diễn biến và dự báo tương lai… có sự liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, yếu tố lãnh thổ, quản lý hành chính, cộng đồng dân cư... Tuy việc lập quy hoạch đã khó, nhưng quản lý xây dựng theo quy hoạch còn khó hơn nhiều và hiện đang bộc lộ rất nhiều yếu kém.

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang thực sự “có vấn đề”. Hàng loạt nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM đã và đang được xây dựng với mật độ dày đặc, vi phạm quy hoạch đã được duyệt và quy hoạch hiện hành, đặc biệt là ở các khu trung tâm, những mảnh đất vàng.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta đang phải đối mặt với việc thay đổi quy hoạch tùy tiện, nhất là nhiều dự án đã phê duyệt rồi lại xin điều chỉnh. Ngoài ra, các công trình xây dựng không phép, sai phép rất phổ biến. Việc cấp phép tùy tiện do cơ chế xin - cho, nhất là khu vực nội thành, nhiều dự án trên các khu vực nội thành dày đặc, cao 9-11 tầng, 20-25 tầng (TP.HCM - Hà Nội). Thậm chí còn vượt cả chiều cao, tầng nhà so với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được phê duyệt (nhóm lợi ích trong việc xin - cho cấp phép xây dựng) đã khiến bức tranh quy hoạch trở nên lem nhem và không kiểm soát nổi.

Thậm chí, nhiều quyết định chủ trương đúng đắn trong quy hoạch được duyệt như di dời các nhà máy, công sở, bệnh viện ra khu đô thị mới, ngoại thành nhằm giảm áp lực mật độ dân cư, tăng diện tích lợi ích công cộng (trường học, nhà trẻ, công viên cây xanh...) nhưng thực hiện không nghiêm. Nhà máy sau di dời lại cắm vào đó nhiều công trình mang lại “lợi nhuận” cao cho chủ đầu tư (và cả nhóm lợi ích của người cấp phép).

Mặt yếu của đô thị

Việt Nam là nước đang có quá trình đô thị hóa nhanh. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,2% năm 2000 lên mức 32% năm 2012. Cùng với đó, số lượng dân đô thị cũng tăng tương ứng từ 18,7 triệu người lên mức 30 triệu người vào năm 2012.

Bộ Xây dựng dự báo, đến năm 2015 sẽ có khoảng 870 đô thị với số dân là 35 triệu người, đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%. Dự báo xa hơn đến năm 2025 các con số này sẽ lần lượt là 1.000 đô thị, 52 triệu dân và đạt tỷ lệ đô thị hóa tương đương mức 50%. Tại Việt Nam, các đô thị có đóng góp chủ yếu vào GDP quốc gia khi chiếm khoảng 70% tổng GDP nhưng trên thực tế khâu quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch vẫn chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương. Sự phát triển về quy mô đô thị chưa đi đôi với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường....

TS.KTS Nguyễn Văn Quảng - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia nhận định, tại nhiều đô thị của Việt Nam tuy khi quy hoạch chung đô thị và phần lớn các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, xây dựng không theo quy hoạch cũng không được hạn chế hoặc hạn chế nhưng không đáng kể.

Sự biến tướng của quy hoạch đang là một vấn đề nhức nhối. Nhiều địa phương rất hào phóng, cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là "ban phát" cho các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng. Bởi thế đã hình thành nên nhiều dự án ảo, còn các dự án được triển khai thì dường như luôn thiếu sự kết thúc, thiếu sự đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiếu gắn kết với tổng thể đô thị. Sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình, chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở… so với quy hoạch ban đầu cũng khiến ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị bị chệch hướng.

Thực tế cho thấy, quy hoạch chưa thực hiện được chức năng kiểm soát phát triển đô thị. Bởi vậy, nâng cao chất lượng và quản lý chặt quy hoạch phát triển đô thị đã trở thành cốt lõi của "câu chuyện" tương lai đô thị, tương lai cuộc sống của người dân đô thị.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng đánh giá, phương thức quản lý đô thị vẫn còn nặng cơ chế xin cho và chưa chuyển sang cơ chế phục vụ. Tình trạng xây dựng lộn xộn không phép, sử dụng đất bừa bãi không theo quy hoạch và pháp luật hiện chiếm tỷ lệ đáng kể nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Vì vậy, mục tiêu đặt ra là thực hiện các định hướng phát triển đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời đảm bảo khả năng linh hoạt, thích ứng với những diễn biến của thị trường, cho phép có thể thực hiện các điều chỉnh mang tính chiến lược khi có yêu cầu mới trong tương lai. Cùng đó, cần huy động được sự tham gia chủ động, tích cực hơn của cộng đồng ngay từ quá trình lập, thực hiện quy hoạch để hạn chế các tác động bất lợi của quy hoạch “treo”, đảm bảo khả năng tập trung nguồn lực đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Hải Quan