Top

Đề xuất tăng mức phạt hành vi không đăng ký quyền sử dụng đất

Cập nhật 23/01/2014 09:18

Tại dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tăng mức xử phạt hành vi không đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1- 5 triệu đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 2,5 – 10 triệu đồng tại khu vực đô thị đối với hộ gia đình, cá nhân có hành vi không đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 105/2009/NĐ-CP, mức phạt áp dụng từ 200.000 đến 1 triệu đồng tại khu vực nông thôn, 500.000 đến 2 triệu đồng tại khu vực đô thị).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất phạt từ 20 – 50 triệu đồng đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo có hành vi không đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Mức phạt hiện nay là từ 2 – 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 1 – 10 triệu đồng tại khu vực đô thị đối với cá nhân có hành vi không đăng ký biến động về quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai năm 2013. Phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng tại khu vực đô thị đối với tổ chức có hành vi không đăng ký biến động về quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai năm 2013.

Chậm cấp GCN quyền sử dụng đất bị phạt nặng

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở sẽ bị phạt tiền từ 200 – 700 triệu đồng.

Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng đối với tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở mà đã bàn giao nhà ở cho người mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Chính phủ