Theo định hướng quy hoạch Vùng thủ đô trình Chính phủ trong tháng 1, Hà Nội sẽ được giảm tải sức ép dân cư nhờ sự phát triển của các đô thị vệ tinh. Ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn, Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với báo chí, ngày 11/1.
* Là chuyên gia soạn thảo quy hoạch Vùng thủ đô, ông nhận định vai trò của Hà Nội như thế nào?
Quy hoạch Vùng thủ đô là một đồ án đô thị lớn đầu tiên của Việt Nam. Sau khi Luật xây dựng ra đời năm 2004, chúng tôi đã bắt tay vào lập quy hoạch này. Đô thị hạt nhân chính là Hà Nội và vệ tinh là 7 tỉnh lân cận. Ở Pháp, vùng thủ đô Paris cũng bao gồm 8 tỉnh được lập từ năm 1934. Mặc dù đi sau nhiều năm song chúng ta đã học tập được nhiều kinh nghiệm.
Ông Lưu Đức Hải.
Thủ đô Hà Nội trong tương lai và định hướng tới năm 2020 sẽ là đô thị quan trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vùng thủ đô sẽ là một trong 30 vùng đô thị lớn trên thế giới có quy mô 8 triệu người trở lên, riêng đô thị hạt nhân có 4,2 - 4,5 triệu dân.
Hiện cảnh ùn tắc giao thông, nhà ở, hạ tầng xã hội... đòi hỏi giảm áp lực cho thành phố trung tâm. Biện pháp là phải phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh, để giảm dòng nhập cư từ nông thôn ra đô thị, từ đô thị nhỏ ra đô thị lớn. Tăng trưởng dân số tại 7 tỉnh lân cận hầu hết là âm, chỉ có Hà Nội là dương, cho thấy dòng người nhập cư vào thủ đô rất lớn, chưa kể các tỉnh khác nữa.
*
Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội sẽ phải điều chỉnh địa giới hành chính như thế nào?
Điều chỉnh địa giới hành chính là một nội dung trong tổ chức hành chính quốc gia, đang được Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét. Về mặt nghiên cứu quy hoạch, chúng tôi chỉ đưa ra phân tích khoa học là sự phát triển của đô thị hạt nhân cần nội dung gì.
Theo quy hoạch chung đến 2020, Hà Nội có vành đai 4 nhưng lại đi vào địa phận các tỉnh khác, gây thắc mắc cho nhiều người. Trong quy hoạch vùng được lập, vành đai này được gọi là vành đai Vùng thủ đô. Tuyến này có bán kính đến trung tâm vùng là 25 - 30 km, hầu hết đô thị nằm trong vành đai đó là đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Ngoài ra, một vành đai khác nối các đô thị theo bán kính 50 - 60 km tính từ Hà Nội. Mỗi tỉnh đều có các đô thị, có trách nhiệm cùng phát triển để giảm sức ép cho thủ đô. Thêm nữa, các khu nghĩa trang, xử lý chất thải đều phải đặt ở bên ngoài theo sự liên kết trong vùng.
*
Cơ quan soạn thảo đã lường trước những khó khăn gì trong khi thực hiện quy hoạch này?
Trong vùng thủ đô, việc đi lại của người dân phải được đáp ứng trong khoảng 60 phút. Để làm được thì hệ thống giao thông cao tốc, đường sắt, xe buýt khối lượng lớn phải phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ thống đường sắt nội vùng chưa phát triển. Trong nghiên cứu lần này, chúng tôi xác định phải có phương tiện vận chuyển hành khách khối lượng lớn ra các đô thị xung quanh thủ đô, ít nhất 10 tuyến trong tương lai. Kinh phí lớn, song để trở thành vùng năng động của một quốc gia gần 100 triệu dân thì chúng ta phải cố gắng thực hiện.
Cũng có quan điểm thành phố vệ tinh là thành phố ngủ, để người dân ngủ vào buổi tối, còn ban ngày sẽ đi vào thành phố trung tâm làm việc. Nhưng chúng tôi nhận thấy đô thị vệ tinh không chỉ để ngủ, mà các thành phố vệ tinh cùng phát triển, được bố trí khu công nghiệp, dịch vụ để phân bố bớt dân cư.
*
Trước một dự án khổng lồ, theo ông, làm thế nào để tránh tình trạng quy hoạch treo?
Nhiều nước trên thế giới cũng làm quy hoạch như chúng ta. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của họ mạnh nên dễ trưng dụng và giao cho các đơn vị thực hiện đến khi thành công. Còn nước ta không đủ tiền thì phải làm đến đâu đền bù đến đó. Đây là thực tế các nước đang phát triển phải đối mặt. Đối với một dự án quy mô như vậy thì khả năng tài chính phải được quan tâm hơn nữa.
Ông Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc HN: Cần xác định ranh giới của vùng quy hoạch. Đây là vấn đề mang tầm chiến lược lớn. Hẹp quá thì sẽ tạo ra một cái áo chật, rộng quá cũng không phù hợp. Ranh giới vùng phải đảm bảo khoảng 50 - 80 km, bảo đảm 30 phút đi lại cho người dân.
Hà Nội sẽ có 3 khu vực đô thị lớn.
Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: