Top

Quy hoạch chung Đà Nẵng tầm nhìn đến 2045: Hình thành 12 khu đô thị chức năng

Cập nhật 20/03/2020 09:25

Theo UBND TP Đà Nẵng, nội dung đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan của thành phố bảo đảm tiến độ đề ra.



Đến nay, nhiều nội dung đã hoàn thành 4 giai đoạn thực hiện như: khởi động dự án và quản lý dữ liệu; đánh giá hiện trạng kinh tế-xã hội và đồ án Quy hoạch chung hiện nay; lập quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng.

Nội dung đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đang xây dựng so với đồ án Quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt năm 2013 có nhiều ưu điểm với ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét hơn, có định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp; không quy hoạch dàn trải, gây lãng phí nguồn lực đất đai lẫn hạ tầng kỹ thuật.

Đồ án đề xuất được những ý tưởng lớn như: mô hình 2 vành đai kinh tế, 5 phân khu phát triển gắn với 4 cụm làm việc ưu tiên tập trung và 1 điểm du lịch toàn thành phố; quy hoạch 3 phân vùng kiến trúc cảnh quan gắn với vùng sinh thái thông qua việc phân chia 12 phân khu đô thị. Về chiến lược phát triển hạ tầng, có ý tưởng đáng chú ý như "thành phố ngàn hồ" để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa và tích nước để sản xuất nước sạch sinh hoạt.

Về nội dung quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP đến năm 2030 đạt 13% là khả thi.

Nội dung đề xuất quy hoạch xác định cơ cấu kinh tế thành phố định hướng phát triển theo các cụm ngành ưu tiên về du lịch, dịch vụ logistics, cảng biển, cảng hàng không; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Quy hoạch cũng dự báo dân số đến năm 2030 thành phố đạt 1,55 triệu người, năm 2045 đạt 2,31 triệu người.

Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đơn vị tư vấn xác định tầm nhìn của thành phố là "Đô thị lớn, thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững" với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics; công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…

Mục tiêu của thành phố là trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên; là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Đến năm 2030, diện mạo của đô thị Đà Nẵng qua cấu trúc không gian đô thị với 3 khu vực đặc trưng; mặt nước, công viên và sườn núi và đất đô thị hiện trạng gắn kết qua 2 vành đai kinh tế phía bắc và phía nam. Đặc biệt, toàn thành phố Đà Nẵng sẽ là điểm đến du lịch lớn, các điểm đến hiện trạng được xác định là các nút trên bình diện phát triển điểm đến du lịch rộng lớn.

Quy hoạch đô thị Đà Nẵng đề xuất hình thành 12 phân khu đô thị chức năng: ven sông phía đông, ven sông phía tây, ven Vịnh Đà Nẵng, cảng biển Liên Chiểu; phân khu công nghệ cao, phân khu trung tâm thành phố.

Phân khu đổi mới sáng tạo, sân bay, ven đồi; phân khu nông nghiệp công nghệ cao; khu sinh thái phía tây và phân khu sinh thái phía đông. Đà Nẵng cũng hình thành các trung tâm phát triển bao gồm trung tâm đô thị, dịch vụ công nghiệp, đổi mới sáng tạo, logistics và trung tâm thương mại gần ga đường sắt mới.

Cấu trúc đô thị về tầm cao được xác định phát triển công trình cao trên 80m đối với khu vực trung tâm thành phố mở rộng; từ 60 - 80m khu vực trung tâm thành phố hiện tại; công trình có tầng cao từ 40-60m tại khu vực ven Vịnh Đà Nẵng; công trình xây dựng dưới 40m áp dụng cho khu vực đô thị gần sân bay.

Các tòa nhà công nghiệp hạn chế tầm cao ở mức dưới 30m; khu vực đô thị khu vực phía nam thành phố cao dưới 20m. Điểm nhấn kiến trúc công trình cho phép cao nhất 250m với 8 vị trí như: góc đường Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Sắc; khu vực đường Võ Văn Kiệt; Trung tâm Hành chính; Công viên Châu Á; góc đường Hoàng Sa - Lê Đức Thọ; góc đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng; góc đường Trường Sa - An Nông.

Về hạ tầng có cảng hàng không, cảng biển với 2 cảng Tiên Sa và Liên Chiểu; quy hoạch phát triển ga đường sắt mới. Hạ tầng giao thông đường bộ chuyển Bến xe khách Trung tâm thành phố thành ga xe buýt, mở thêm bến xe mới và giữ nguyên Bến xe phía nam hiện nay; mở đường giao thông ngầm qua sân bay; hệ thống giao thông công cộng có hệ thống đường sắt ngầm qua khu vực trung tâm và mạng lưới giao thông công cộng mở rộng kết nối khu vực phía tây thành phố. Hạ tầng cấp nước đến năm 2030 đạt tổng công suất 803.000m3/ngày đêm, không quy hoạch xây đập ngăn mặn trên các sông.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa quy hoạch phát triển sân bay cần dừng nghiên cứu đầu tư phát triển hạ tầng, cuối năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng nhà ga T3, bảo đảm công suất ở ngưỡng cao nhất 30 triệu khách/năm.

Một vấn đề quy hoạch khác, đối với địa điểm nhà ga đường sắt mới, cần xác định địa điểm đáp ứng sự kết nối với giao thông đường bộ, kết nối vành đai; đối với cảng biển lưu ý quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu có hạ tầng kho bãi, cầu cảng để trung chuyển container từ cảng Tiên Sa; quy hoạch và đầu tư mới cầu tàu tạm để trung chuyển hàng hóa đối với cảng Tiên Sa để tránh lưu thông trên tuyến đường Ngũ Hành Sơn và Ngô Quyền như hiện nay. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý quy hoạch bổ sung và làm rõ nội dung phát triển ở lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo và dịch vụ logistics.

DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế