Từ góc nhìn và kinh nghiệm của một lãnh đạo địa phương lâu năm, UVBCT Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: trong nhiều nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện đất đai, có vấn đề chính sách chưa sát hợp, gây lúng túng cho người thực thi.
Tính chất đặc biệt của tài nguyên đất
Vấn đề đất đai đang là vấn đề cực kỳ lớn, bức xúc cả về phương diện lý luận và thực tiễn, vi mô lẫn vĩ mô, chính sách và thực thi chính sách; đối với người dân cũng như với các cấp chính quyền.
Bài viết này chỉ xin đề cập một vài khía cạnh, góp phần tìm hiểu vấn đề vì sao 70 - 80% số vụ việc khiếu kiện, thắc mắc, tranh chấp trong đời sống xã hội hiện nay đều liên quan đến đất đai. Đại đa số các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, khó giải quyết; số cán bộ có khuyết điểm, làm sai, bị kỷ luật nhiều hơn cả cũng là liên quan đến đất đai. Tiêu cực, tham nhũng xảy ra cả với cán bộ lẫn người dân cũng liên quan nhiều đến đất đai …
Có nhiều ý kiến cho rằng, trình độ, năng lực và phẩm chất cán bộ các cấp yếu kém và tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu gây nên bất bình khiếu kiện của người dân. Liệu giải thích như vậy đã thật đúng chưa?
Ý kiến khác cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do người dân hiểu sai, làm sai, hoặc cố tình đòi hỏi những lợi ích không thể đáp ứng được. Lẽ nào nhân dân ta nhiều người thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng luật pháp đến vậy ?
Có ý kiến giải thích, cái sai này chủ yếu là do các cấp bên dưới, do cơ sở hiểu sai, làm sai. Nghe ra cũng không ổn. Vậy vì sao cái sai chỉ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực này mà không là các lĩnh vực khác; bên trên thì đúng còn bên dưới thì sai ?
Nhiều ý kiến đồng ý những nguyên nhân nói ở trên, nhưng đồng thời cũng mong đợi các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách, trước hết là những Bộ, ngành trực tiếp có liên quan, cũng nên nhận trách nhiệm của mình, chí ít cũng là chậm đưa ra được hệ thống chủ trương, chính sách sát hợp với thực tiễn, gây khó khăn, lúng túng cho những người thực thi chính sách.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt. Trong nền kinh tế thị trường, người ta coi đất đai là hàng hoá đặc biệt. Câu nói “tấc đất, tấc vàng” nói lên sự quý giá ở tầm mức cao nhất của đất đai thực ra cũng không đủ. Ấy là chưa nói dưới góc độ giá trị lịch sử - xã hội : “mỗi tấc đất đều nhuốm máu cha ông”; đất đai là “giang sơn gấm vóc” thì sự thiêng liêng, quý giá ấy khó lấy thước đo nào mà định giá.
Trước khi trở thành hàng hoá đặc biệt thì từ hàng triệu năm qua đất đai đã là tài nguyên đặc biệt, trước hết bởi đất đai có nguồn gốc tự nhiên, là tặng vật tự nhiên dành cho con người, cho loài người; tiếp đến mới là thành quả do tác động khai phá của con người. Cái tính chất vô cùng đặc biệt của đất đai là ở chỗ tính chất tự nhiên và tính chất xã hội đan quyện vào nhau; nếu không có nguồn gốc tự nhiên, thì con người dù có tài giỏi đến đâu cũng không tự mình (dù là sức cá nhân hay tập thể) tạo ra đất đai được.
Con người có thể làm ra nhà máy, lâu đài, công thự và sản xuất, chế tạo ra muôn nghìn thứ hàng hoá, sản phẩm, nhưng không ai có thể sáng tạo ra đất đai. Do đó, quyền sở hữu, định đoạt, sử dụng đất đai, dù Nhà nước hay người dân cũng cần phải hiểu đặc điểm, đặc thù hết sức đặc biệt ấy.
Đất đai quý giá còn bởi con người không thể làm nó sinh sản, nở thêm, ngoài diện tích tự nhiên vốn có của quả đất. Khi chúng ta nói đất đai là hàng hoá, dù có thêm hai chữ đặc biệt vào đó, thì cũng không lột tả được hết tính chất đặc biệt của đất đai cả về phương diện tự nhiên cũng như xã hội. Vì thế, sự ứng xử với vấn đề đất đai trong hoạt động quản lý không thể được đơn giản hoá, cả trong nhận thức cũng như trong hành động.
Đất đai và vấn đề định giá
Trong cơ chế thị trường, những người có quan điểm coi đất đai cũng là hàng hoá không có gì sai. Nhưng việc quá nhấn mạnh tính chất hàng hoá trong xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, chủ trương định giá đất đền bù sát giá thị trường mà quên đi tính chất hết sức đặc biệt, đặc thù của đất đai sẽ giải thích ra sao khi những hàng hoá bình thường cũng như những hàng hoá đặc biệt quý giá khác con người đều có thước đo giá trị để định giá thông qua các phạm trù, quy luật giá trị, cung cầu, thời gian lao động làm ra sản phẩm v.v… Nhưng với đất đai thì không thể áp dụng một cách giản đơn các phạm trù, quy luật kinh tế đó bởi đất đai không đơn thuần là sản phẩm do sức lao động con người sáng tạo ra.
Nếu đi vào cụ thể, sẽ giải thích và vận dụng chính sách định giá, đền bù ra sao với 1m2 ở đầu phố và cuối phố; hướng đông và hướng tây; mặt trước và mặt sau; nơi thuận tiện giao thông, học hành, vui chơi, hoặc hình dạng thửa đất vuông vắn hay méo mó v.v. và v.v…. cho “sát giá thị trường” như một số vị thường say sưa giải thích ?
Giá thị trường xác định ở thời điểm nào thì được các bên chấp nhận là hợp lý khi Nhà nước bỏ ra cả hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng cho một dự án, làm cho đất đai đang rẻ bỗng chốc trở nên đắt hơn vàng ? Trong những trường hợp như vậy, ngay cái được coi là giá bình quân cũng rất khó xác định.
Bình quân là chia đôi giữa hai thời điểm trước, sau dự án thì Nhà nước hay nhà đầu tư cũng không thể đủ sức đền bù, kèm theo đó lại còn vô số những người ở liền kề dự án bỗng nhiên được hưởng lợi mà không hề bị điều tiết. Cũng có nhiều trường hợp, về phía người dân, cho dù được đền bù giá cao, nhưng điều họ muốn không phải nhằm hướng tới tiền nong, giá trị, mà là cuộc sống ổn định, là vấn đề tình cảm, tâm linh.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước, nơi nào cũng gặp khó khăn khi phải xác định giá đất ở vùng giáp ranh nội và ngoại thành, thành phố và nông thôn, nơi hai thửa đất hai hai huyện, hai tỉnh liền kề nhau. Tính theo giá bên cao thì bên kia kêu thấp và ngược lại. Và thế là phát sinh khiếu kiện đông người.
Vấn đề cơ chế, chính sách
Từ thực tế trên, chúng ta không thể không nói đến những bất cập của cơ chế, chính sách. Như vấn đề “đất đai không có tranh chấp”. Thật ra, tuy không tranh chấp với một cá nhân cụ thể nào, nhưng hoàn toàn là lấn chiếm đất công một cách bất hợp pháp, mọi người quen gọi là “nhảy dù”. Thế nhưng, lại cũng được bồi thường như các hộ sống trên đất thổ cư. Thậm chí có người không chịu chấp nhận đền bù vì đất lấn chiếm ấy họ đã mở dịch vụ kinh doanh thu lợi rất lớn.
Có vô số vấn đề phức tạp phát sinh do chế độ, chính sách của chúng ta chưa tính hết, lại thường xuyên thay đổi và có rất nhiều sơ hở, thậm chí bất hợp lý. Một chính sách mới ra đời với ý muốn làm lợi cho người dân nhưng có khi lại đặt ra những vấn đề vô cùng nan giải cho cơ sở. Trả lời, giải quyết ra sao cho những công dân tốt, đã sốt sắng gương mẫu chấp hành nhưng lại không được hưởng những lợi ích từ chính sách mới ?
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ngày 31/3/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận : “Vấn đề giá đất, thưa Quốc hội, đây là một trong những vấn đề mà trong lãnh đạo, điều hành, trong quản lý của Chính phủ là đang khó khăn, vướng mắc rất nhiều và Chính phủ cũng tốn rất nhiều thời gian về vấn đề này”. Về quan điểm xác định giá đất, Thủ tướng nói “không thể xem đất đai là hàng hoá thị trường hoàn toàn như các hàng hoá khác, là cứ đưa ra thị trường có cung, có cầu rồi mua bán ngang giá tự do, nhà nước không cần can thiệp gì thì cũng không đúng”.
Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nói đúng thực trạng khó khăn, bức xúc của vấn đề quản lý đất đai hiện nay và chỉ ra định hướng tư duy về vấn đề xác định giá đất. Quả thật, đây là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng, khó khăn, phức tạp và bức xúc không chỉ với đông đảo nhân dân mà các cấp chính quyền cũng đang mong chờ Chính phủ và Quốc hội khoá XII sớm xem xét, giải quyết .
Theo Phạm Quang Nghị - VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: