Top

Nhiều vi phạm “chờ”… người xử phạt!

Cập nhật 17/06/2009 08:30

Đã hơn một tháng từ khi Nghị định 23/2009/NĐ-CP (NĐ23) được áp dụng thay thế cho Nghị định 126/2004/NĐ-CP (NĐ 126) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị, vẫn có hàng loạt sai phạm liên quan đến hạ tầng đô thị đang diễn ra gần như rơi vào trạng thái mất kiểm soát cục bộ!

Không xử phạt, mất tính răn đe

Trước hết có lẽ cần phải nhắc lại, Nghị định 126/2004/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26-5-2004 nhằm xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà (trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung vào hạ tầng đô thị). Đặc biệt tại khoản 6, Điều 46 của Nghị định 126, ngoài việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Xây dựng, NĐ 126 còn quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra Nhà nước chuyên ngành khác, theo đó “người có thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Thanh tra Nhà nước chuyên ngành được quyền xử phạt vi phạm hành chính tại NĐ này - tức NĐ 126 - trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền”.

Trên thực tế, chính nhờ điều khoản quy định ấy mà suốt thời gian dài vừa qua, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) trên cả nước chứ không riêng gì TPHCM, có thể thực hiện chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước thẩm quyền của Sở GTVT. Tính từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng lực lượng Thanh tra GTVT TPHCM đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 trường hợp sai phạm liên quan đến các vấn đề an toàn tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ và công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Các chuyên viên nhiều năm lăn lộn với địa hạt Thanh tra GTVT đúc kết rằng các vi phạm hành chính liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật đường bộ hầu như không chừa đối tượng nào, từ chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng cho đến tư vấn xây dựng! Hình thức sai phạm thì đủ loại, đủ kiểu. Nào là không duy tu bảo dưỡng hoặc sửa chữa các công trình hạ tầng theo quy định; nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng; làm sai lệch giá trị thanh toán-quyết toán; không mua bảo hiểm công trình theo luật định…

Kể từ ngày 1-5-2009, Nghị định 126 không còn giá trị hiệu lực, thay vào đó là áp dụng xử phạt theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP. Điều mắc mứu là Nghị định 23 chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Xây dựng và UBND các cấp mà không quy định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành khác, trong đó có Thanh tra GTVT. Hệ quả là từ đầu tháng 5 đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT không còn “dám” xử phạt vi phạm hành chính trên một loạt lĩnh vực chuyên ngành vốn dĩ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở GTVT.

Một khi chức năng quyền hạn của lực lượng Thanh tra GTVT chỉ còn giới hạn ở động tác lập biên bản kiểm tra các hành vi vi phạm mà không thể chế tài như thời Nghị định 126, cũng tức là không còn đảm bảo được tính răn đe đối với các hành vi sai phạm vốn dĩ không phải là hiếm liên quan đến các công trình hạ tầng kỹ thuật đường bộ trên địa bàn thành phố. Nói “mất kiểm soát cục bộ” là vì thế.

Hai kiến nghị

Trước tình hình này, Chánh thanh tra GTVT TPHCM Lê Vĩnh Phát đã phải kiến nghị khẩn cấp lên cấp thẩm quyền. Theo ông Phát, Nghị định 23 cần bổ sung - thực chất là phục hồi - điều khoản về “thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền”.

Theo Chánh thanh tra Lê Vĩnh Phát, điều đó cũng phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Chính phủ. Bởi lẽ trong rất nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực được ban hành trước đây đều có quy định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành khác trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, chẳng hạn như Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16-12-2008 quy định về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, hay Nghị định 126/2005/NĐ-CP ban hành ngày 10-10-2005 để quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Trong trường hợp không bổ sung được thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Sở GTVT có thể báo cáo Bộ GTVT xem xét để có Dự thảo trình Chính phủ ban hành thêm một Nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình giao thông đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Bởi vì theo định nghĩa tại điều 3 Luật Giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, thiết bị phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ… Các nội dụng này cũng đã được nêu ngay trong Nghị định 23/2009/NĐ-CP.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng