Top

Cắm mốc chỉ giới đường sắt:

Năm 2011, bắt đầu giải tỏa hàng ngàn nhà dân

Cập nhật 18/10/2010 07:40

Dự kiến cuối năm 2011, các quận sẽ bàn giao “đất sạch” nằm trong chỉ giới 30 m cho ngành đường sắt.

UBND TP vừa quyết định trong năm 2010 phải cắm xong mốc chỉ giới hơn 14,5 km đường sắt quốc gia đi qua TP (gồm phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường sắt, tính từ mép đường ray ra mỗi bên 15 m). Từ năm 2011, bắt đầu giải tỏa các hộ dân ở năm quận (3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức) nằm trong mốc chỉ giới trên.

Sẽ bồi thường theo giá thị trường

Theo ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong khi năm quận tiến hành đánh dấu hoặc cắm cọc, VNR (với tư cách chủ đầu tư) sẽ trình Bộ GTVT dự án bồi thường, giải tỏa các hộ dân nằm trong mốc chỉ giới trên. “Chậm nhất đến đầu năm 2011, sau khi dự án được duyệt, VNR sẽ giao cho từng quận tiến hành công tác bồi thường, giải tỏa” - ông Tảo nói.

Năm 2008, theo tính toán của cơ quan tư vấn và năm quận, sẽ có hơn 6.000 căn nhà với hàng chục ngàn hộ dân thuộc 19 phường nằm trong chỉ giới đường sắt bị giải tỏa, ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay con số trên đã thay đổi nhiều. Ông Tảo cho hay sau khi dự án giải tỏa được Bộ GTVT phê duyệt, VNR sẽ phối hợp với các quận rà soát, thống kê lại diện tích đất, số nhà bị giải tỏa (một phần hoặc toàn bộ) và số hộ dân bị ảnh hưởng.


Sắp tới, nhà, đất trong phạm vi 15 m tính từ mép đường ray ra mỗi bên sẽ bị giải tỏa để thiết lập hành lang an toàn đường sắt và làm quỹ đất cho phát triển đường sắt quốc gia. Ảnh: Lưu Đức

Đầu tháng 10, tổ công tác liên ngành của TP đưa ra tổng mức chi phí giải phóng mặt bằng cho phạm vi hành lang an toàn đường sắt là 3.660 tỉ đồng. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT kiêm tổ trưởng tổ công tác, con số này mới chỉ là dự kiến. “Chi phí giải phóng mặt bằng thực tế sẽ được áp theo đơn giá (giá thị trường) tại thời điểm có quyết định thu hồi đất của UBND TP” - một thành viên tổ công tác cho biết.

Ngày 13-10, ông Ngô Anh Tảo cũng cho biết tổng mức bồi thường, giải tỏa do tổ công tác TP đưa ra mới chỉ là khái toán. Khi đi vào xây dựng dự án để trình lên Bộ GTVT, cơ quan tư vấn và các quận sẽ đưa ra tổng mức đầu tư chính thức. “Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cũng chỉ “chính xác” tương đối. Khi đi vào áp giá cụ thể cho từng căn nhà, diện tích đất, hộ dân bị ảnh hưởng… các quận và VNR sẽ phối hợp để tính đúng, tính đủ cho dân theo giá thị trường” - ông Tảo nói.

Đất giải tỏa sẽ không bị “treo”

Năm 2008, khi triển khai các bước chuẩn bị giải tỏa chỉ giới đường sắt ra hai bên trên 30 m, nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ lãng phí. Vì lẽ theo quy hoạch giao thông đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, đoạn đường sắt qua TP.HCM và các ga không còn là đường sắt quốc gia mà sẽ trở thành đường sắt đô thị đi trên cao. Mặt khác, khi đó VNR chưa có dự án nào cụ thể nên khoảng hành lang vừa giải tỏa sẽ rơi vào tình trạng… “treo”.

Đầu năm 2010, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch năm 2007. Theo đó, hơn 14,5 km đường sắt qua TP vẫn là tuyến đường sắt quốc gia. Cùng thời điểm, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng chấp thuận dự án xây dựng tuyến đường sắt mới Hòa Hưng - Trảng Bom với khổ đường ray 1,435 m. Theo ông Ngô Anh Tảo, riêng đoạn đường sắt Hòa Hưng - Bình Triệu của tuyến mới trên đã được quyết định xây dựng trên cao, không giao cắt với các tuyến đường bộ trong nội đô TP.

“Ngay sau khi được các quận bàn giao “đất sạch” nằm trong chỉ giới 30 m (dự kiến vào cuối năm 2011), VNR và cơ quan tư vấn sẽ triển khai ngay các bước để xây dựng đoạn đường sắt đi trên cao này. Còn về lâu dài, trong phạm vi 30 m của chỉ giới đường sắt sẽ xây dựng thành đường sắt đôi mới. Như vậy, sau giải tỏa, cắm mốc… đất nằm trong hành lang chỉ giới đường sắt sẽ không bị “treo” như nhiều người lo ngại” - ông Tảo khẳng định.

Không cắm cọc giữa nhà dân

Theo UBND TP, tổng số cọc phải cắm dọc tuyến là 255 (cọc hình vuông mỗi cạnh 15 cm và nhô lên khỏi mặt đất 60 cm; mỗi cọc cách nhau khoảng 100 m nhưng không quá 200 m). Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết số lượng cọc và khoảng cách giữa các cọc không thể cứng nhắc mà cần thay đổi và có cách cắm cho phù hợp thực tế.

Ông Lê Thanh Quốc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, đề nghị nên dùng sơn đánh dấu phía bên ngoài nhà dân để xác định mốc chỉ giới. “Không thể đem cọc cắm ngay giữa nhà hoặc bên vách nhà dân vì như vậy vừa gây phản cảm, vừa gây cản trở lưu thông ở các hẻm nhỏ” - ông Quốc nói. Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc VNR, đồng tình: “Các cọc mốc chỉ giới bằng bê tông chỉ nên cắm ở những vị trí ít nhà dân, phạm vi chỉ giới thông thoáng”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP