Top

Giấy chứng nhận trong trường hợp người nhận thừa kế là người nước ngoài

Cập nhật 14/06/2007 15:00

Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhưng lại được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi là Giấy chứng nhận), nhưng được chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Đó là một phần nội dung quy định tại Điều 13 - NĐ 84/2007/NĐ-CP Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Theo đó, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (quy định tại Điều 121 Luật Đất đai và Điều 126 Luật Nhà ở) nếu được nhận thừa kế đất đai sẽ không được cấp Giấy chứng nhận, nhưng được phép chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế, nếu tất cả người được nhận thừa kế đều thuộc đối tượng này. Thủ tục như sau:

- Thủ tục chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại Điều 148 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

- Thủ tục tặng cho thực hiện theo quy định tại Điều 152 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho, với điều kiện người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại khoản 6 Điều 113 của Luật Đất đai và khoản 2 Điều 126 của Luật Nhà ở.

- Nếu chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện (có văn bản ủy quyền theo quy định) nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để cập nhật vào sổ địa chính và theo dõi.

Trường hợp trong số những người cùng nhận thừa kế có người thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận, mà chưa phân chia thừa kế thì người được nhận thừa kế thuộc diện không được cấp Giấy chứng nhận (như trên) nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để cập nhật vào sổ địa chính và theo dõi. Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế, cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận; còn người nhận thừa kế thuộc đối tượng không được cấp Giấy chứng nhận được giải quyết theo quy định như trên.

Người nhận thừa kế nếu chưa chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế được ủy quyền (bằng văn bản) cho người khác trông nom hoặc tạm sử dụng đất. Người trông nom, tạm sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan.


Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây thì được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam:

a) Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam;
b) Người có công đóng góp với đất nước;
c) Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;
d) Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;
đ) Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. (Theo Điều 121 Luật Đất đai 2003)

Các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi:

- về đầu tư lâu dài tại Việt Nam,
- có công đóng góp với đất nước,
- hoạt động văn hóa, khoa học, có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước,
- được phép về sống ổn định tại Việt Nam,
- các đối tượng khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định,
- đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên. (Theo Điều 126 Luật Nhà ở 2005)


Phương Anh
(Theo Thanh niên)