Top

Chưa xong “giấy hồng”, lại lòng vòng “giấy trắng”!

Cập nhật 17/05/2007 13:00

Chừng một vạn người có giấy chủ quyền nhà đất khá xa xưa như bằng khoán, văn tự đoạn mãi bất động sản… tại TP.HCM đang như ngồi trên đống lửa. Khả năng quản lý đặc biệt vòng vo của các Bộ chức năng đang đẩy họ vào ”điểm chết": không mua bán, giao dịch gì được hết! UBND TP.HCM đang phải xin ý kiến Trung ương cách giải quyết tình hình nói trên.


Do đặc thù quản lý, nhà ở - đất ở tại TP.HCM có rất nhiều loại giấy tờ hợp lệ khác nhau (nói gọn là “giấy trắng”). Đó là các loại giấy chủ quyền cấp trước giải phóng như bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản... Hoặc cấp từ sau giải phóng đến trước ngày 5.7.1994 (thời điểm Nghị định 60 của Chính phủ về việc cấp “giấy hồng” cũ có hiệu lực thi hành) như: giấy phép xây dựng, quyết định hoặc giấy chứng nhận của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà v.v. Hoặc cấp sau năm 1994 như: hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng, trước bạ, đăng bộ. Trừ một số giấy kế thừa của chế độ cũ, các giấy còn lại đều do chính quyền TP.HCM tự “chế” để dễ quản lý, hoặc được cấp theo quy định lúc bấy giờ.


Xuất phát từ thực tế này, nên khi triển khai cấp “giấy hồng” cũ, TP.HCM vẫn tiếp tục công nhận giá trị hợp lệ của các loại “giấy trắng”. Ai có “giấy trắng” vẫn được giao dịch (mua bán, thế chấp...) bình thường, trừ khi muốn đổi sang “giấy hồng” cũ. Đây chính là lý do chủ yếu khiến số “giấy trắng” chẳng những không giảm mà còn tăng và đến giờ có cả thảy khoảng một vạn giấy.


Cái “chết” bất ngờ!


Nhưng rồi “giấy hồng” cũ cấp theo Nghị định 60 đã phải rút lui để nhường chỗ cho “giấy đỏ” cấp theo Nghị định 181 (năm 2004) của Chính phủ. “Sóng gió” bắt đầu nổi lên khi Nghị định 181 yêu cầu “tất cả các loại đất đều được cấp một “giấy đỏ” duy nhất”. Và để minh định rõ giá trị pháp lý của “giấy đỏ”, điều 184 Nghị định này quy định: “Kể từ ngày 1.1.2007, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện các quyền về chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...”. Nghĩa là đến đầu năm nay, các loại “giấy trắng” hoàn toàn mất giá trị và không còn cách nào khác là chủ nhà, đất có “giấy trắng” buộc phải đổi sang “giấy đỏ”.


Ừ, đổi thì đổi. Có điều, chưa kịp cấp mới được bao nhiêu “giấy đỏ” cho những nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ (nói chi đến việc cấp đổi cả vạn loại “giấy trắng”) thì Luật Nhà ở và Nghị định 90 năm 2006 ra đời. Vậy là “giấy đỏ” giờ chỉ cấp cho đất, còn nhà thì lại phải cấp “giấy hồng” mới. Cũng theo Nghị định này, “giấy đỏ” hay “giấy hồng” cũ (cấp theo các quy định trước đó) vẫn còn nguyên giá trị, chỉ cấp đổi theo nhu cầu. Nhưng còn “giấy trắng” thì sao? Rất tiếc, nếu trước đây Nghị định 181 còn gia hạn một thời gian để người có “giấy trắng” có thể làm thủ tục cấp đổi thì bây giờ, Nghị định 90 chẳng ngó ngàng gì đến chúng nữa.


Chính vì chỗ này mà nhiều chủ nhà, đất có “giấy trắng” chưa kịp đổi sang “giấy đỏ” hay “giấy hồng” mới đã như ngồi trên đống lửa. Ngay khi năm 2007 bắt đầu, một số phòng công chứng đã khước từ những hợp đồng mua bán, thế chấp... nhà ở có “giấy trắng”! Coi như dân… bó tay!


Cuộc đua chưa kết thúc


Thấy dân như lửa đốt, Bộ Tài nguyên và môi trường đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời hạn cấp đổi giấy đỏ cho đến hết năm nay. Trên cơ sở đó, các phòng công chứng tiếp tục công chứng cho các hợp đồng mua bán, thế chấp chỉ có “giấy trắng”. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là chữa cháy, vì Chính phủ chưa có ý kiến phản hồi.
Sở Tư pháp vừa tham mưu cho UBND TP.HCM (để báo cáo với Trung ương) hai hướng xử lý đối với “giấy trắng”: một, người dân chỉ được phép xài “giấy trắng” đến cuối năm nay; hai, được giao dịch vô thời hạn.


Rất nhiều ý kiến ủng hộ phương án sau. Bởi lẽ, giấy trắng hay đỏ, hồng đều do các cơ quan quản lý nghĩ ra, chứ người dân đâu có nguyện vọng đổi màu tờ giấy chủ quyền của mình... cho đẹp? Hơn nữa, giấy nào cũng đều là sự công nhận quyền sở hữu nhà (và quyền sử dụng đất) của dân, chỉ khác nhau về mẫu mã. Ngoài ra, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chạy đua trắng, xanh, đỏ, hồng.. của cơ quan được giao chức năng quản lý đã đến hồi kết thúc! Nếu ông bộ nào đột nhiên chuyển sang yêu... màu tím, thì có lẽ người dân lại phải vắt giò lên cổ đua theo tiếp mà thôi!


Vậy thì không gì hay hơn là tiếp tục công nhận giá trị vô thời hạn của “giấy trắng” và người nhận chuyển nhượng sẽ được cấp sang “giấy hồng” mới (như nhà nước vẫn đang thừa nhận giá trị của các lọai giấy hộ tịch đời cổ như bản án thế vì khai sinh, giấy hôn thú do chế độ cũ cấp... chứ không bắt phải đổi sang giấy khai sinh hay giấy chứng nhận kết hôn theo kiểu… tân thời). Như vậy, cả dân và nhà nước đều đỡ tốn sức, tốn tiền.


Thực tế vừa qua cho thấy việc ấn định thời hạn cấp hết “giấy đỏ” cho các loại đất là mang nặng tính chủ quan của cơ quan quản lý, nên Bộ Tài nguyên và môi trường đã buộc phải tính lại. Chẳng rõ Bộ Xây dựng có thấu đáo hơn Bộ Tài nguyên và môi trường hay không, vì người dân nhiều nơi vẫn đang rồng rắn nộp hồ sơ xin cấp mới “giấy hồng”, chưa kể còn có đến mấy trăm căn nhà mua bán giấy tay hoặc xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004 vẫn đang chờ chủ trương cấp giấy!


HIỆP TIẾN
(Theo SGTT)
 


Chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chạy đua trắng, xanh, đỏ, hồng... của cơ quan được giao chức năng quản lý đã đến hồi kết thúc! Nếu ông bộ nào đột nhiên chuyển sang yêu... màu tím, thì có lẽ người dân lại phải vắt giò lên cổ đua theo tiếp mà thôi!