Phối cảnh một hệ thống đường sắt đô thị trên thế giới(Nguồn: Internet). |
Sau nhiều nỗ lực, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua không những không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng. Giải bài toán này như thế nào, xem ra là vấn đề không dễ.
Theo các chuyên gia, dù muộn, nhưng đã đến lúc nên chọn phương án xây dựng, phát triển đường sắt nội-ngoại ô để giải bài toán này.
Lâu nay, chúng ta không quan tâm đến việc phát triển đường sắt một cách đúng tầm. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, phát triển đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh đều phải trên cơ sở tiền đề phát triển đường sắt nội-ngoại ô. Thật đáng buồn khi có người lại nghĩ phải “đuổi” đường sắt ra khỏi thành phố. Họ đưa ra kế hoạch phát triển mao mạch mà cắt đi động mạch.
Nhiều chuyên gia Nhật Bản đã phản đối kịch liệt cách làm này của Việt Nam.
Những năm qua, đã có 9 tuyến đường sắt đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tuyến cho Hà Nội được đề cập đến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc gắn kết các tuyến đường sắt này với phát triển đô thị ra sao.
Một vấn đề không thể phủ nhận là phát triển đô thị mới phải trên cơ sở phát triển vận tải công cộng mà mạng đường sắt đô thị là xương sống.
Xe buýt là các nhánh xương cá tới các khu dân cư có quy mô nhỏ hơn và taxi, xe ôm đảm nhận các khu dân cư cá biệt. Trong đó nhà ga nằm trong khu đô thị mới. Quảng trường nhà ga chính là trung tâm thương mại với không gian mở liên kết đường sắt, đường bộ.
Kinh nghiệm từ Công ty Tokyu, Nhật Bản cho thấy họ đã rất thành công với phương thức tư nhân đầu tư xây dựng đường sắt đô thị với các khu đô thị mới. Hiện tuyến số 5 của Hà Nội là tuyến Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc đang được nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm với phương thức đầu tư giống như Công ty Tokyu trong việc xây dựng tuyến đường sắt Tokyu Toyoko ở Nhật Bản.
12,7 tỷ USD xây dựng đường sắt đô thị
Gần 10 năm qua, nhiều dự án xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đường sắt trên cao đến tàu điện ngầm.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 12,7 tỷ USD.
Thế nhưng, cho đến giờ phút này tất cả vẫn chỉ nằm trên... giấy, có một hai dự án đã khởi động, động thổ... rồi lại "bất động".
Hà Nội đã ra quyết định đầu tư xây dựng 2 dự án đường sắt trên cao là Cát Linh-Hà Đông và tuyến đường sắt Ngọc Hồi-Yên Viên. Thế nhưng, cả hai dự án này vẫn chưa thể chuyển động, ngoài một vài thủ tục đầu tiên.
Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,05km, có tổng mức đầu tư gần 8.770 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2014 sẽ đi vào khai thác nhưng đến giờ này vẫn chưa có mặt bằng, cho dù nhà thầu Trung Quốc đã bố trí được vốn.
Dự án xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường sắt Ngọc Hồi-Yên Viên hiện cũng đang gặp khó khăn cả về vốn lẫn mặt bằng.
Một tuyến đường sắt đô thị đang trở thành vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư theo hình thức mới, lần đầu tiên có ở Việt Nam là đầu tư xây dựng đường sắt theo hình thức BT. Đó là tuyến đường sắt đô thị số 5 từ Nam Thăng Long-Láng-Hòa Lạc.
Dự án được sự quan tâm của 7 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và một công ty Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ USD. Đây cũng là những tín hiệu thể hiện các dự án đường sắt đô thị đang hấp dẫn nhà đầu tư và chủ trương xã hội hoá hạ tầng đang thành hiện thực.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án metro thời gian gần đây cũng khá sôi động. Tập đoàn Siemens của Đức dự kiến sẽ đầu tư 2 tuyến metro với tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu euro. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu 30% vốn, còn lại sẽ vay 100 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Đức và 20 triệu euro từ Áo.
Gấp rút triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị
Hiện các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (chưa bao gồm địa giới Thủ đô mở rộng) được hình thành với 3 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, tổng chiều dài khoảng 128km. Riêng tổng vốn dự kiến cho các dự án này là 7.262 triệu USD, trong đó vốn vay ODA chiếm khoảng 80%.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đang được triển khai gồm tuyến trên cao Ngọc Hồi-Yên Viên (1.725 triệu USD); tuyến Từ Liêm/Nam Thăng Long-Thượng Đình (1.910 triệu USD); tuyến Nhổn-ga Hà Nội (767 triệu USD); tuyến Hà Nội-Hà Đông (470 triệu USD) và tuyến Daewoo-Láng-Hòa Lạc (600 triệu USD).
Trong các dự án trên, mới chỉ có đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội khởi công hạng mục đầu tiên từ năm 2006 nhưng sau đó lại “án binh bất động” vì không có mặt bằng.
Các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai ở Việt Nam đều có đặc thù lần đầu tiên sử dụng loại hình công nghệ, kỹ thuật hiện đại, nên trên thực tế các nhà quản lý, hoạch định gặp không ít khó khăn.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, việc cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I sẽ được hoàn thành, kết nối đường sắt với các cảng biển quốc tế, nhà máy, khu kinh tế, khu mỏ và các trung tâm du lịch lớn...
Cụ thể, đến năm 2030, mạng đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành.
Đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được qui hoạch thành 2 hệ thống: Tàu điện ngầm với 6 tuyến dài 92km và xe điện trên mặt đất hoặc monoray với tổng nguồn vốn đầu tư đến năm 2020 khoảng 5.479 triệu USD, trong đó vốn vay ODA cũng chiếm khoảng 80%.
Hiện, có 4 dự án đường sắt đô thị tại thành phố đang được triển khai với 4.259 triệu USD, bao gồm: Tuyến Bến Thành-Suối Tiên với gần 1,2 tỷ USD; tuyến metro số 2 với 1,25 tỷ USD; tuyến metro số 3a với 880 triệu USD và tuyến metro số 4 với trên 1 tỷ USD.
Một số dự án tàu điện ngầm và đường sắt trên cao (monorail) đã được lập như tuyến Bến Thành-Biên Hòa, Bến Thành-bến xe Miền Tây, Bến Thành-Tân Sơn Nhất-An Sương với khoảng 5 tỷ USD.
Theo thiết kế ban đầu, hệ thống tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 54km, 6 đường ray và 22 nhà ga và 4 tuyến. Nhà ga trung tâm đặt ở Công viên 23/9, quận 1.
Các tuyến metro sẽ được xây dựng cuốn chiếu và hoàn tất vào năm 2020. Mục tiêu của hệ thống metro nhằm thay thế 25% lượng xe gắn máy lưu thông trên đường.
Hệ thống metro ở Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các tuyến: Bến Thành-Bình Tây-Phú Lâm-An Lạc dài khoảng 15km, sẽ ưu tiên thực hiện trước đoạn Bến Thành-Bình Tây dài 5km; Bến Thành-Gò Vấp dài 11km, ưu tiên trước đoạn Bến Thành-công viên Chiến Thắng (quận Tân Bình) dài 5km; Bến Thành-Thủ Đức-Biên Hòa dài 23km, ưu tiên làm trước phần Bến Thành-Thủ Đức dài 11km; Bến Thành-Thủ Thiêm đến vùng trung tâm khu đô thị tương lai là Xóm Chông, Xóm Mới, dài khoảng 5km.
Dự kiến các tuyến tàu điện ngầm sẽ đảm nhận khoảng 600-800 triệu lượt hành khách vào những năm đầu đưa vào khai thác.
Trong tương lai, các tuyến metro sẽ phát triển dần thành tuyến vòng tròn khép kín như nhiều thành phố lớn trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao trong nội thành cũng như các vùng phụ cận, nhất là trên các tuyến trục trọng yếu.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: