Top

Nên thống nhất một giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất nông nghiệp trong cùng một dự án

Cập nhật 06/09/2007 14:00

UBND thành phố Hà Nội vừa kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội: Nên thống nhất một giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất nông nghiệp trong cùng một dự án có một quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, có thể có hệ số theo vùng trên cơ sở cơ cấu cây trồng.

Từ nay đến năm 2010, Hà Nội phải thực hiện việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 5.201 ha đất nông nghiệp, chuẩn bị bố trí tái định cư khoảng 5.000 - 6.000 hộ/năm, chuyển đổi nghề cho khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp. Cùng với thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm, thành phố còn thực hiện các dự án giải quyết những vấn đề bức xúc về dân sinh như cải tạo các khu chung cư cũ, nát, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư nông thôn...

Việc bồi thường bằng đất ở, đất dịch vụ đối với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong toàn thành phố sẽ rất khó khăn và không khả thi do quỹ đất nông nghiệp còn rất hạn chế và cơ bản đã giao cho các hộ theo Nghị định 64/CP. Do đó, việc thu hồi tiếp đất nông nghiệp để làm quỹ đất tái định cư sẽ phát sinh thêm khó khăn, bất cập. Để tiếp tục tạo điều kiện cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thủ đô có hiệu quả, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Đoàn giám sát của Quốc hội một số vấn đề để bảo đảm tiến độ các dự án (nhất là các dự án trọng điểm) và ổn định xã hội.

Cần có hệ thống pháp luật liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, có tính ổn định, có giá trị thi hành lâu dài để hạn chế việc tạo nên những mâu thuẫn, bất cập giữa các hộ dân trong cùng một dự án, cùng quyết định thu hồi đất phải di dời trong các giai đoạn khác nhau. Các chính sách bồi thường, hỗ trợ và các chính sách về giá đất, giá nhà cũng cần được ban hành đồng bộ, kịp thời.

 Cần nghiên cứu mối quan hệ giữa sở hữu và sử dụng đất đai để xác định khách quan giá trị sử dụng đất theo cơ chế thị trường trong điều kiện bình thường, bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước - người dân- nhà đầu tư. Đồng thời, cần xem xét áp dụng chính sách tiền tệ hóa (hỗ trợ bằng tiền thay cho việc đền bù bằng đất ở) hoặc bồi thường bằng căn hộ chung cư đối với các hộ dân khi bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất, không còn tư liệu sản xuất là một vấn đề cấp thiết. Ngoài chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của Nhà nước, theo UBND thành phố Hà Nội cần đề cập đến trách nhiệm của các nhà đầu tư được giao đất trong việc cam kết đào tạo, tuyển dụng lao động và trách nhiệm của người dân khi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trên cơ sở diện tích thực tế bị thu hồi.

Theo Thanh Bình - BTN & MT