Top

Lãng phí đất từ tầm nhìn và quy hoạch?

Cập nhật 02/10/2013 13:43

“Nguồn lực đất đai chưa thực sự được phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả cao; mới chỉ nhìn nhận đến lợi ích trước mắt mà ít chú ý đến khôi phục, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất đai bền vững”, PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy nhìn nhận. Một nguyên nhân là quy hoạch sử dụng đất chưa có tầm nhìn dài hạn, chất lượng quy hoạch cũng có nhiều vấn đề.

“Bờ xôi, ruộng mật” hóa đất hoang


Gần 350 nghìn ha đất lúa, trong đó nhiều diện tích thuộc khu vực đồng bằng, là dạng “bờ xôi, ruộng mật”, đã được chuyển mục đích sử dụng sang phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác trong 10 năm qua. PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu một con số đáng chú ý.

Rõ ràng, xu thế đô thị hóa và công nghiệp hóa đang gây áp lực chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. “Đây là vấn đề khó có thể ngăn, cấm”, PGS.TS. Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội khoa học đất Việt Nam nêu ý kiến. Nhưng nhiều cảnh báo cũng phát đi từ đây.

Đó là, việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp ở một số địa phương còn dàn trải, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Khả năng thu hút đầu tư kém dẫn tới tiến độ thực hiện còn chậm, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp… thấp, dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Dự án khu dân cư, chợ dịch vụ và thương mại xã Tráng Liệt, huyện Bình Gia khởi động từ năm 2001 đến nay chỉ thấy cỏ

Điển hình là năm 2007, một số địa phương khi đó còn đang nằm trong kế hoạch sáp nhập vào Hà Nội đã ra hàng loạt quyết định giao đất cho chủ đầu tư của 772 dự án, tổng diện tích 75.695 ha. Sau hợp nhất, Bộ Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện, trong số trên chỉ có 58 dự án được tiếp tục triển khai, 153 dự án cần điều chỉnh chức năng xây dựng hoặc diện tích, 77 dự án tạm dừng để chờ quy hoạch điều chỉnh và 30 dự án phải dừng hẳn…

Một trường hợp khác, Hải Dương đã lập quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 3.710 ha, chủ yếu bố trí hai bên quốc lộ 5, trên đất lúa nước. Diện tích đất đã bàn giao xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đến năm 2012 mới đạt 1.349 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt 51%.

Sân golf cấp phép tràn lan cũng là một nguyên nhân khiến đất bị bỏ hoang. Qua rà soát lại quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng loại 76 sân golf, thu hồi trên 15.600 ha đất được cấp cho chủ đầu tư...

Thiếu tầm nhìn, khai thác khó bền vững

Nhưng ngay trong lúc nhiều khu công nghiệp không hút được doanh nghiệp, không ít nhà đầu tư tiếp tục xin bổ sung dự án khu công nghiệp vào quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp hơn nữa.

“Nguồn lực đất đai chưa thực sự được phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả cao; mới chỉ nhìn nhận đến lợi ích trước mắt mà ít chú ý đến khôi phục, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất đai bền vững”, PGS.TS. Đoàn Xuân Thủy nhìn nhận. Một nguyên nhân là quy hoạch sử dụng đất chưa có tầm nhìn dài hạn, chất lượng quy hoạch cũng có nhiều vấn đề.

“Còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch các ngành chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, kỹ sư Lưu Văn Thịnh (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết.

Trong khi đó, công tác dự báo chưa thực sự trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng dự báo còn thấp, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh. Quy hoạch sử dụng đất mới chỉ chú ý đến dự báo một chiều là xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng đất đai cho các ngành, lĩnh vực trong xã hội mà chưa quan tâm đến việc dự báo theo chiều ngược lại: khả năng đáp ứng của tài nguyên đất trong tương lai, hiện tượng quỹ đất bị mất đi…

Đã đến lúc cần có một đề tài khoa học hệ thống hóa mục tiêu của các văn bản Nhà nước, đánh giá lại các loại sản phẩm quy hoạch, việc tổ chức lập các loại quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đai… “Không nên dừng ở quy hoạch sử dụng đất đai 10 năm và kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm như hiện nay”, PGS.TS. Huỳnh Đăng Hy đề nghị.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thiếu các định hướng vĩ mô, tầm nhìn chiến lược cho 50 - 100 năm, quy hoạch sử dụng đất dễ bị thay đổi, thường xuyên phải điều chỉnh, chắp vá, không bảo đảm sự kết nối liên tục giữa các kỳ quy hoạch. Do đó, để bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững trong thế kỷ XXI, nhất thiết cần phải nghiên cứu định hướng vĩ mô, tầm nhìn dài hạn về quản lý đất đai...

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng