Nhà ở xã hội là một nhu cầu, nhiều khi là mơ ước của nhiều người dân có thu nhập thấp. Nhưng để mua được một căn nhà xã hội lại không đơn giản, bởi “ma trận” thủ tục hành chính.
Vấn đề nhà ở xã hội đang nóng lên trong cả nước, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội – nơi có rất nhiều người đang trông chờ và hy vọng vào đợt mua nhà ở xã hội này.
Thực tế trong thời gian qua, hầu như chưa có ai đăng ký mua được nhà ở xã hội vì phải làm nhiều loại thủ tục hành chính phức tạp. Theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNNN Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ có quy định, người được phép vay mua nhà ở xã hội phải có đủ nhiều loại giấy tờ như: Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư. Nhà ở này phải có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Hợp đồng phải ký kể từ ngày 07/01/2013. Có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Có giấy cam kết của khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Có văn bản xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở...
Để có được những loại giấy tờ đó không hề đơn giản, nhất là đối với những người có thu nhập thấp thì họ thường ít hiểu biết về những thủ tục hành chính này. Vì vậy thực tế xảy ra khi họ đi làm các loại giấy tờ trên thì rất mất thời gian hoặc hay bị mắc ở một hay một vài loại giấy tờ, khiến cho công việc không giải quyết được. Không ít người nằm trong diện được vay mua nhà ở xã hội đã chán nản bỏ cuộc vì thủ tục hành chính để mua được một căn nhà xã hội quá rườm rà.
Ví dụ như giấy xác nhận tình trạng nhà ở của UBND phường (xã) nơi sinh sống (xác nhận người đó chưa có nhà ở). Đầu tiên người dân phải lên UBND phường nơi sinh sống làm đơn đề nghị xác minh, sau đó cán bộ địa chính phường phải đến nơi ở của người dân để xác minh cụ thể rồi mới về phường làm xác nhận cho người dân. Nhưng đối với những người có hộ khẩu thường trú ở tỉnh khác thì việc xác minh này phải do UBND phường (xã) nơi họ sinh sống làm, điều này khiến người dân phải đi lại nhiều lần rất mất công. Giấy xác nhận của cơ quan cũng vậy. Thực tế cơ quan không thể nắm được hiện trạng nhà ở của người cần mua nhà nên họ lại phải xác minh, điều đó gây chồng chéo thủ tục và làm lãng phí thời gian của người cần mua nhà.
Một bất cập nữa là giấy tờ xác minh nguồn thu nhập. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể rằng thu nhập bao nhiêu là thấp. Và cho dù có quy định thì khó tránh khỏi tình trạng lách luật để được mua nhà do khai giảm thu nhập. Điều đó dẫn tới người thực sự cần lại không mua được còn người không đúng đối tượng thì lại được mua.
Qua thực trạng đó, theo quan điểm cá nhân, tôi xin kiến nghị với Thành phố cần phải cải tiến giảm bớt các thủ tục hành chính cho người mua nhà ở xã hội theo hướng rút ngắn các công đoạn chuẩn bị trung gian để có được các loại giấy tờ cần thiết cho đủ bộ hồ sơ vay mua nhà.
Đối với giấy xác nhận tình trạng nhà ở, nên tập trung làm thành từng đợt cho từng phường chứ không nên làm lắt nhắt từng trường hợp gây lãng phí thời gian của cán bộ phường và người dân. Cần huy động các cán bộ của UBND phường tập trung giải quyết xác minh tình trạng nhà ở cho người dân ngay khi họ có yêu cầu để giảm bớt thời gian chờ đợi. Các cơ quan cũng nên tổ chức các buổi phổ biến chủ trương và đăng ký mua nhà xã hội cho nhân viên của mình.
Đối với việc xác định thu nhập, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan và chính quyền sao cho không để lọt người có nhu cầu thực sự. Nên tổ chức công khai việc xác định thu nhập, có người của chính quyền tham gia chứng kiến để minh bạch hóa thu nhập của người dân.
Để giảm bớt những phiền hà của người dân khi chuẩn bị một số lượng lớn thủ tục hành chính, UBND phường và cơ quan công tác cần có tinh thần phối hợp đồng bộ, nhanh chóng, làm với số lượng lớn để giải quyết từng đợt thủ tục hành chính. Cùng với đó cần đầu tư xây dựng các phần mềm chuyên ngành để lưu trữ, tra cứu nhanh xem người dân đã đủ thủ tục chưa.
Đồng thời với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính mua nhà ở xã hội, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết phải chuẩn bị đủ các thủ tục, giảm tình trạng ngại ngùng, chán nản của người dân khi nhìn thấy quá nhiều thủ tục. Cùng với đó, các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nên giúp đỡ người dân một cách tích cực hơn. Làm được việc này, tin rằng sẽ có nhiều người dân thực sự cần nhà sẽ mua được nhà ở xã hội.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: