Top

Kiến trúc Hà Nội nửa cuối thế kỷ XX

Cập nhật 10/05/2009 08:40

Năm 1956 được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, bước đầu các kiến trúc sư Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra một sơ phác "Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội".

Mặc dù mới chỉ ở dạng sơ đồ, phương án này đã có một số điểm đáng chú ý và được triển lãm để lấy ý kiến người dân vào năm 1960. Tuy không trở thành hiện thực nhưng những điểm hay trong đó được sử dụng để tham khảo cho quy hoạch tổng thể Thủ đô sau này.

Từ kinh nghiệm sơ lược

Mặc dù miền Bắc bị không quân Mỹ đánh phá và Hà Nội là trọng điểm. Thế nhưng những công trình xây dựng vẫn mọc lên đóng góp vào quá trình hình thành nghệ thuật kiến trúc. Phần lớn các công trình do Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ, giúp đỡ thiết kế và xây dựng. Phần còn lại do các kiến trúc sư thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đảm nhiệm và sau đó là lớp kiến trúc sư được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu thực hiện. Tuy nhiên, phải thừa nhận tầm nhìn của họ còn hạn chế, có lúc rơi vào quan điểm sản xuất nhỏ, lại có lúc tưởng có thể áp dụng nguyên xi kinh nghiệm của những nước khác, chưa thấy được sự phát triển nền kiến trúc thành phố phải có những đặc điểm phù hợp với tình trạng một nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực kiến trúc nhà công cộng, nét đặc trưng nhất thời kỳ này là sự ra đời những công trình, trụ sở cơ quan và trường học lớn để đáp ứng yêu cầu xã hội bức thiết sau 1954. Các trụ sở: Bộ Xây dựng, khu Liên cơ Vân Hồ, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê, Bộ Công thương, Ủy ban Khoa học xã hội… đều cùng một phương pháp xây dựng (tường gạch, sàn panen) và phong cách đối xứng na ná như nhau. Mặt bằng, mặt đứng đều đơn điệu, gờ cửa sổ, lỗ thông gió có thể thấy ở đâu cũng có, rồi thêm khá nhiều chi tiết kiến trúc tỉa tót với gờ ngang sọc đứng… đánh dấu một chủ nghĩa kinh nghiệm sơ lược kết hợp với một phong cách nhiệt đới máy móc. Những công trình này không có cá tính, do lúc đó có khi nhiều người cùng làm và rất nhiều người khác góp ý sửa đổi.

Trường đại học thời kỳ này phải được xây dựng nhanh để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ lúc đó đang cần cho Hà Nội và mọi miền của đất nước. Yêu cầu đó đã dẫn đến một loạt trường được xây dựng theo một công thức chung. Trường Đại học Thương nghiệp, Đại học Nông Lâm, Thủy lợi, Kinh tế - Kế hoạch… đều có một bố cục là một khối nhà lớn ở giữa, hai khối nhà học hai bên hoặc một hội trường lớn ở giữa, hai nhà học hai bên. Lối kiến trúc đối xứng này tuy tôn được vẻ đồ sộ, nhưng kềnh càng không tiện dụng. Chúng toát lên quan niệm đơn giản của các kiến trúc sư thiết kế về công năng phức tạp của công trình.

Trường đại học có các thành phần chức năng đáp ứng tương đối đầy đủ nhất yêu cầu trong việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học thời kỳ này là Trường Đại học Bách khoa (khởi công năm 1961, hoàn thành khoảng năm 1965, do Liên Xô thiết kế và viện trợ). Cũng thời kỳ này đã có một số thành tựu đáng khích lệ thuộc về lĩnh vực kiến trúc nhà ở. Hà Nội đã đưa vào sử dụng một số khu nhà ở một tầng như: An Dương, Phúc Xá, Mai Hương, Đại La… và 2 khu nhà ở hai tầng ở đường Bờ Sông. Đặc điểm của những khu nhà ở là thành phần công năng của căn hộ đơn giản, nhà chỉ gồm một số dãy nhà chính cho nhiều căn phòng xếp cạnh nhau, mỗi nhà chính có thể có dãy nhà phụ phía sau hoặc ở hai đầu hồi đặt bếp, vệ sinh. Những khu nhà này đã có tác dụng nhất định trong việc ổn định chỗ ở cho công nhân và nhân dân lao động.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1961 đến 1963, Hà Nội đã xây dựng được 9.700m2 nhà ở (dự kiến trong 5 năm, sẽ cố gắng xây dựng được 160.000m2 nhà ở nếu Mỹ không tiến hành chiến tranh phá hoại, có nghĩa là sẽ giải quyết được khoảng 1/6 khối lượng ở yêu cầu đề ra trên cơ sở dân số đô thị lúc đó).

Những năm 60, một công trình đã thu hút mạnh mẽ sự hưởng ứng sáng tác của giới kiến trúc đó là trụ sở Quốc hội. Tuy đồ án được giao cho tập thể chuyên gia Trung Quốc chịu trách nhiệm chính, nhưng các kiến trúc sư Việt Nam đã cố gắng chủ động để xuất ý kiến với ý thức nghề nghiệp cao (quy hoạch chi tiết: KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Lê Văn Lân; công trình: KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Tạ Mỹ Duật, KTS Trần Hữu Tiềm) là những tác phẩm mở đầu cho thế hệ nhà công cộng tiếp đó. Những năm 70 và 80, có 2 công trình kiến trúc vô cùng quan trọng chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hai công trình kiến trúc này không chỉ của hôm nay mà chắc chắn còn là công trình đẹp của mai sau.

… đến các trào lưu và xu hướng


Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới, chính sách này tác động đến kiến trúc Hà Nội bắt đầu vào năm 1990 đã tạo ra những thay đổi rõ nét. Số lượng công trình nhiều hơn, số tầng cao hơn, đánh dấu cho giai đoạn của nền kinh tế thị trường làm cho Hà Nội sinh động, hấp dẫn và tăng thêm tính hiện đại. Những cao ốc văn phòng và khách sạn do nước ngoài đầu tư như: Daewoo, Hilton, Nikko, Hanoi Tower, Sofitel Plaza... đã liên tiếp mọc lên. Bên cạnh những công trình do các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế thì một số kiến trúc sư Việt Nam bắt đầu đặt được một chân vào các công trình lớn này.

Phong cách của công trình và cá tính của kiến trúc sư đã rõ nét hơn, bắt đầu hình thành các trào lưu và xu hướng. Xu hướng hiện đại cách tân, nhấn mạnh việc dùng kết cấu và vật liệu mới chủ yếu là kính, thép, bê tông và vật liệu trang trí, xu hướng này nhấn mạnh đường thẳng góc vuông, nhấn mạnh chất "trí tuệ" của ngôn ngữ kiến trúc. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu như tòa nhà Bảo Việt, Hamatco (KTS Vũ Hoàng Hạc), Trung tâm Tin học - Viện khoa học Việt Nam (KTS Tạ Xuân Vạn), Trung tâm thông tin Thông tấn xã Việt Nam (KTS Đặng Thái Hoàng), Công ty Mitsubishi (KTS Nguyễn Hải), Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, (KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Đặng Kim Khôi và cộng sự)…

Trào lưu hiện đại này ngày một phát triển và tiến bộ hơn cùng với sự phát triển và của kỹ thuật và vật liệu xây dựng mới. Nổi bật có công trình Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (KTS Lương Anh Dũng) được đánh giá là một thành công lớn trong kiến trúc hiện đại của Hà Nội. Năm 2000, Tạp chí Kiến trúc đã xếp hạng Nhà ga T1 là công trình thiết kế đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên, công năng của nhà ga này lại không ổn, chỉ cần 2 chuyến máy bay về cùng là ùn tắc.

Năm 1998, khu nhà 9 tầng đầu tiên được xây dựng ở Bắc Linh Đàm đã mở đầu cho một thời kỳ - thời kỳ của những đô thị mới với chung cư cao tầng. Các chung cư "đổi mới" như: Định Công, Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân chính, Làng Quốc tế Thăng Long… là một bước tiến thực sự đáng mừng. Trước tiên là việc thiết kế các căn hộ có diện tích sử dụng gấp đôi, gấp ba so với trước, tức khoảng 70 tới 150m2 (cá biệt lên 180m2), bảo đảm cho các gia đình đủ chỗ sinh hoạt và do đó yêu cầu cơi nới mở rộng diện tích sẽ không đặt ra. Thoát khỏi nguy cơ bị cơi nới là yếu tố quan trọng hàng đầu để kiến trúc nhà ở và không gian ở duy trì được cấu trúc cần có của mình, không bị biến dạng. Khu đô thị mới được xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong một môi trường tự nhiên tốt đó là các khu ở văn minh hiện đại có tiện nghi sinh hoạt cộng đồng tốt. Kiến trúc phong phú về thể loại: biệt thự, nhà liền kề, xếp dãy, nhà chung cư… Các căn hộ độc lập khép kín, được bảo đảm thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.

Khu đô thị mới tạm coi là phần kết về kiến trúc Hà Nội thế kỷ XX với cả thành công và thất bại. Tuy nhiên nó là bài học để Hà Nội tự điều chỉnh làm cho kiến trúc Thủ đô ngày càng đa dạng nhưng không mất đi nét riêng vốn có từ thời các chế độ phong kiến định đô ở đây cũng như các kiến trúc mang dấu ấn thuộc địa.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới