Top

Hải Phòng có nhiều sai sót khi mở rộng sân bay Cát Bi

Cập nhật 24/03/2019 13:00

Kiểm toán nhà nước yêu cầu UBND Hải Phòng, Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng rút kinh nghiệm, kiểm điểm trong công tác xây dựng, quản lý và sử dụng vốn đầu tư dự án xây dựng mở rộng khu bay - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) - Ảnh Tiến Thắng

Ngày 22-3, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã công khai nội dung kiểm toán công tác xây dựng, quản lý và sử dụng vốn đầu tư tại dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu bay - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Theo đó, cơ quan kiểm toán đã chỉ ra một loạt sai sót mà UBND TP Hải Phòng, Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng đã làm chưa đúng quy định khi thực hiện dự án này.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu bay - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được phê duyệt tại quyết định số 375 năm 2013 và quyết định phê duyệt bổ sung số vào tháng 7-2014 của UBND TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư phê duyệt là 3.660,8 tỉ đồng.

Dự án do UBND TP Hải Phòng làm chủ đầu tư, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng là đơn vị quản lý thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án; Ban Quản lý dự án cầu Hải Phòng là đơn vị quản lý giai đoạn thực hiện dự án.


Chưa xác định rõ nguồn vốn đã đổ tiền đầu tư

Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đánh giá khi phê duyệt nguồn vốn đầu tư cho dự án, TP Hải Phòng chưa xác định rõ được cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn mà chỉ ghi chung chung "nguồn vốn đầu tư bao gồm nguồn thu từ đấu giá đất, ngân sách TP Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác". Trách nhiệm này thuộc về Sở KH-ĐT.

Liên quan đến dự án này, Chính phủ đã có công văn số 2652 năm 2014 hỗ trợ vốn thực hiện dự án, theo đó ngân sách T.Ư hỗ trợ cho TP Hải Phòng tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư Dự án đã được UBND TP Hải Phòng duyệt, phần còn lại do địa phương bố trí.

Trong kết luận, KTNN cho biết đến thời điểm kiểm toán (tháng 5-2016), ngân sách trung ương mới hỗ trợ được cho dự án 800 tỉ đồng, chiếm 22% tổng mức đầu tư. Địa phương bố trí vốn cho dự án từ khi khởi công năm 2013 đến hết tháng 3-2016 là 1.746,7 tỉ đồng, chiếm 48% tổng mức đầu tư.

Việc dự án không xác định rõ cơ cấu nguồn vốn và việc bố trí vốn không đủ 15% khi khởi công đối với dự án nhóm A là chưa tuân thủ Chỉ thị số 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ.

7 gói thầu chỉ định sai quy định

Ngoài những sai sót trên, KTNN còn phát hiện những sai sót khi thực hiện dự án này.

Cụ thể: đây là công trình giao thông cấp đặc biệt do T.Ư quản lý và thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT, thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, ngày 23-11-2012, Bộ GTVT có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư.

Đồng thời, theo quy định, dự án phải tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, cuối năm 2012, UBND TP Hải Phòng và Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản nêu do công trình hàng không có tính chất đặc thù cao, có rất ít đơn vị đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thiết kế, thi công xây dựng; nên đã đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình hàng không là đơn vị thi công xây lắp và Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không là đơn vị thiết kế.

Ngày 15-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 401 về việc triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong đó giao UBND TP Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư dự án và cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án.

Đáng chú ý, KTNN còn phát hiện trong quá trình triển khai, BQL dự án cầu Hải Phòng và Sở KH-ĐT đã tham mưu cho UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định chỉ định thầu 7 gói thầu với giá trị 271,6 tỉ đồng cho các nhà thầu không có tên trong danh sách trình lên Thủ tướng Chính phủ đúng với Điều 20 Luật đấu thầu và Điều 40 Nghị định số 85 năm 2009 về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Về tiến độ, theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013-2015, nhưng tới cuối tháng 3-2016 dự án chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (chậm 3 tháng), hầu hết các gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị cũng chậm theo hợp đồng thi công.

Do đó, KTNN đánh giá tính hiệu lực của dự án không đạt theo như UBND TP Hải Phòng đưa ra. Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư và các bên liên quan vẫn chưa có văn bản làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của các bên trong việc chậm tiến độ.

Qua kiểm toán, ngoài những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN yêu cầu BQL dự án cầu Hải Phòng xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, thẩm tra, thẩm định đối chiếu với các quy định của hợp đồng, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra phê duyệt thiết kế dự toán với vai trò là đại diện chủ đầu tư; rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng thi công công trình.

Ngoài ra, KTNN xác định chi phí đầu tư dự án là 2.609 tỉ đồng, giảm 11,1 tỉ đồng so với báo cáo. Do đó, cơ quan Kiểm toán đã kiến nghị BQL dự án thu hồi nộp ngân sách hơn 4 tỉ đồng và giảm thanh toán hơn 7,1 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ