Hơn 10 năm triển khai dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa hoàn thành. Điều này gây hoang mang, bức xúc cho người dân sống trong khu vực.
Bán đảo Thanh Đa liên tục sạt lở khiến người dân lo lắng - SƠN SƠN
Liên tục sạt lở
Mới đây trong báo cáo về tình hình thực hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông vận tải), cho biết trong giai đoạn trước năm 2005, khu vực bán đảo Thanh Đa có diễn biến sạt lở bờ sông đặc biệt nghiêm trọng.
Như ngày 6.7.2001, đã làm sụp hoàn toàn quán Hoàng Ty 1 làm chết 2 người và 3 người bị thương. Tháng 6.2002, sạt lở kho tang vật của Công an quận Bình Thạnh. Tháng 7.2002 sạt lở dãy nhà đất dài 30 m, mố cầu Thanh Đa bị hư hỏng. Đến năm 2003, tình hình sạt lở tại khu vực bán đảo Thanh Đa trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuốn trôi 3 căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất của người dân.
Cũng trong năm này, trung tâm cai nghiện ma túy quận Bình Thạnh bị hư hại nặng vì sạt lở đất. Ngoài ra còn nhiều đợt sạt lở khác làm hư hại tài sản người dân. Tình trạng sạt lở khiến người dân thấp thỏm lo âu cho tính mạng và tài sản của mình.
Dự án thi công chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu - C.T.V
Trước việc bán đảo Thanh Đa bị sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, đất đai của người dân, ngày 4.8.2003, UBND TP.HCM đã ra văn bản thực hiện nghiên cứu dự án phòng chống sạt lở bờ sông Sài Gòn tại khu vực bán đảo Thanh Đa. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu tổng thể về tình hình sạt lở để đề xuất.
Ngày 5.6.2006, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tách dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa thành 7 tiểu dự án, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng.
Có mặt tại khu vực Thanh Đa, chúng tôi thấy chỉ có đoạn 1 của dự án đã hoàn thành. Riêng đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn đang thi công ì ạch. Theo đó, đoạn 2 từ sông Sài Gòn đến khu vực khách sạn Sài Gòn Domine, với chiều dài khoảng 2.797 m, tổng mức đầu tư xây lắp 281 tỉ đồng.
Hiện gói thầu thảm đá dưới nước khởi công vào tháng 8.2014 mới hoàn thành 95%, nhưng phải ngưng do vướng mặt bằng. Trong khi đó gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công tháng 6.2018 nhưng cũng chỉ mới đạt 26% do vướng mặt bằng.
Đối với đoạn 3 dài 3.241 m, với tổng mức đầu tư trên 300 tỉ đồng, gồm gói thầu số 8, 9, 10 và 11 thì chỉ gói thầu số 10 xây dựng gần 800 m bờ kè đã hoàn thành, 3 gói thầu còn lại đang mời thầu và thi công cầm chừng.
Đối với đoạn 4 dài 2.772 m, trong đó 1.352 m kè cũ và 1.420 m kè mới, tổng mức đầu tư xây lắp khoảng 600 tỉ đồng, gồm 2 gói thầu chính. Gói thầu xây dựng dưới nước khởi công từ năm 2014, sau 1 năm thi công đạt khối lượng 93% và từ đó ngưng cho đến nay. Đối với gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công vào quý 3/2018, đến nay khối lượng thi công đạt 12%.
Trao đổi với báo giới, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cũng là chủ đầu tư dự án, cho biết nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng. Theo dự kiến của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, trong quý 3/2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án.
Trước thông tin một số gói thầu đang thi công hay đã bàn giao có chất lượng kém, một số nhà thầu không đảm bảo năng lực cũng như hồ sơ dự thầu có dấu hiệu không trung thực khiến dự án thi công ì ạch, ông Bằng cho biết sẽ rà soát và thông tin kết quả đến người dân được rõ.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: