UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án nút giao thông Cầu Chui (dự án riêng, được tách ra từ Dự án xây dựng đường 5 kéo dài) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, dự án xây dựng đường 5 kéo dài (cầu Chui - cầu Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long) là một trong những dự án trọng điểm về giao thông của Thủ đô, nhằm hình thành tuyến trục giao thông trung tâm ở khu vực bắc sông Hồng, kết nối quốc lộ 5 với các tuyến quốc lộ, giao thông phía tây bắc thành phố, hoàn thiện vành đai 2 theo qui hoạch.
Dự án thuộc nhóm các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội này đã được Thủ tướng phê duyệt và khởi công từ 2005, nay hầu hết hạng mục, gói thầu đã, đang được triển khai - trừ nút giao thông Cầu Chui (giao cắt giữa tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lạng Sơn và quốc lộ 1A, quốc lộ 5, đường Nguyễn Văn Cừ và đường 5 kéo dài.
Nỗ lực để có một "nút giao" hoành tráng trong tương lai tại khu vực phía bắc thành phố (Ảnh tư liệu, chỉ mang tính minh họa). |
"Theo qui định của Luật Đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2006, giao cắt giữa các tuyến đường bộ, đường đô thị với đường sắt phải là giao cắt khác mức nên thiết kế ban đầu trong dự án không còn phù hợp nữa. Vì vậy, UBND TP đang chỉ đạo lập lại qui hoạch và thiết kế cơ sở nút giao này, dự kiến tổng kinh phí nút giao theo phương án khác mức khoảng 1.000 tỉ đồng" - Phó Chủ tịch Khôi cho biết.
Cũng theo ông Khôi, dự án đầu tư đoạn tuyến quốc lộ 1A từ cầu Chui đến cầu Đuống (đường Ngô Gia Tự) theo qui hoạch sẽ "gặp" nút giao Cầu Chui này - trước đây do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nay cũng đã thống nhất chuyển giao cho Hà Nội đầu tư bằng ngân sách thành phố. Dự án đã khởi công tháng 8/2009, dự kiến hoàn thành năm 2011.
Một đoạn tuyến "nối" với nút giao Cầu Chui nữa là đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5 kể trên) cũng vừa hoàn thành đầu 2009, nay tiếp tục chuẩn bị mở rộng và hoàn thiện đoạn "gắn" với nút giao và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Do đó, "việc đầu tư nút giao thông Cầu Chui là cần thiết và cấp bách" - lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.
Để có được nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng trong khi nguồn vốn đầu từ ngân sách còn "hẹp", lãnh đạo Hà Nội chủ trương huy động năng lực, kinh nghiệm của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, cụ thể ở đây là đáp ứng ngay nhu cầu cấp bách xây dựng, đưa vào sử dụng nút giao Cầu Chui.
Tình hình này vừa được Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, với nguyện vọng được phép đầu tư dự án nút giao Cầu Chui theo hình thức BT, hoàn vốn từ khai thác, thực hiện dự án khác theo qui định, đồng thời áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư trực tiếp đàm phán hợp đồng dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: