Ngày 11-1, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BTC hướng dẫn, bổ sung các văn bản trước đó về thi hành thuế thu nhập cá nhân. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được áp dụng ngay từ ngày ký
Một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, đang vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện là thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đã được quy định rất rõ tại điều 5 của thông tư.
Cụ thể, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng BĐS áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập chịu thuế phải đáp ứng các điều kiện sau: Giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng và kê khai tính thuế không thấp hơn giá BĐS (giá nhà và đất) do UBND tỉnh quy định tại thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực.
Hai phương án nộp thuế từ chuyển nhượng bất động sản
Trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng và kê khai tính thuế thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì áp dụng thuế suất 2% tính trên giá do UBND cấp tỉnh, TP quy định.
Cán bộ Cục Thuế TPHCM hướng dẫn kê khai thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: H.Thúy |
Giá mua và các chi phí liên quan (chi phí liên quan đến cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, chi phí cải tạo nhà, đất, chi phí xây dựng...), người nộp thuế kê khai phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp làm căn cứ chứng minh. Nếu người nộp thuế có hóa đơn không hợp lệ hoặc thiếu một trong số các chứng từ cần thiết sẽ bị áp thuế 2% trên tổng giá trị hợp đồng.
Đối với cá nhân chuyển nhượng hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, mua căn hộ thì giá mua được xác định căn cứ vào chứng từ nộp tiền góp vốn và hóa đơn, chứng từ khác chứng minh các chi phí liên quan. Các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng BĐS bao gồm cả các khoản lãi trả tiền vay của các tổ chức tín dụng để mua BĐS.
Riêng trường hợp chưa nộp đủ số tiền theo hợp đồng, giá mua được xác định bằng tổng số vốn phải góp theo hợp đồng trừ phần vốn góp chưa nộp, sau đó cộng thêm các chi phí có liên quan khác.
Thông tư cũng nêu rõ, cá nhân chuyển nhượng BĐS tự kê khai, tự xác định mức thuế suất áp dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ. Cơ quan thuế tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và chấp nhận kết quả tính thuế của người chuyển nhượng nếu đủ các điều kiện áp dụng thuế suất 25%. Trường hợp không chấp nhận kết quả tính thuế, phải trả lời rõ để người chuyển nhượng bổ sung hồ sơ.
“Như vậy vẫn có hai phương án nộp thuế. Đó là nộp 25% trên thu nhập chịu thuế, đây là phương án có điều kiện. Nếu không thỏa mãn điều kiện của mức nộp nói trên, người nộp thuế phải chịu áp mức nộp 2% trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng.
Thông tư số 02 đã tách riêng trường hợp thu thuế theo mức 25% để hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tránh trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng tùy tiện khiến người dân bị phiền hà hoặc cán bộ thuế nhũng nhiễu, tiêu cực”- một vị lãnh đạo của Tổng cục Thuế nhận xét.
Khai quyết toán thuế quá hạn: Không phạt
Điểm mới của thông tư là còn hướng dẫn bổ sung một số khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công không tính vào thu nhập chịu thuế. Cụ thể là tiền của cán bộ công chức luân chuyển công tác được hưởng chế độ nhà công vụ, xe phục vụ công tác... đều được trừ vào thu nhập không tính thuế trước khi tính thuế TNCN.
Đối với trường hợp được hoàn thuế do quyết toán năm có mức thuế khấu trừ lớn hơn mức thuế phải nộp, theo luật, người muốn hoàn thuế phải gửi quyết toán thuế năm 2009, nộp muộn hơn sẽ bị phạt hành chính. Tuy nhiên, Thông tư 02 đã bãi bỏ quy định phạt hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Lý giải điều này, vị lãnh đạo của Tổng cục Thuế cho biết việc cơ quan thuế giữ khoản tiền phát sinh hoàn thuế đã là điểm bất lợi cho người nộp thuế, nếu còn giữ quy định phạt là không hợp lý. Ngoài ra, còn một số đối tượng được cơ chế quản lý riêng để bảo đảm bí mật cá nhân.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: