Top

Giá bồi thường cao kỷ lục

Cập nhật 21/07/2007 10:00

TPHCM đã thành công trong việc áp dụng giá thị trường của bất động sản trong điều kiện bình thường (không bị tác động bởi yếu tố giá ảo, giá chào bán, giá do sốt...) vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án.

Điều này đã tạo ra một mặt bằng giá áp dụng vào công tác bồi thường cao nhất từ trước đến nay.

Theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt - Phó GĐ Sở Tài chính TP, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng TP - thì việc xác định giá thị trường trong điều kiện bình thường là việc làm khả thi. Bằng chứng chính là việc hàng loạt các quận, huyện đã xây dựng được giá thị trường của BĐS trong điều kiện bình thường để áp dụng trong giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn, trên địa bàn quận 1, dự án xây dựng Trường Trung học phổ thông năng khiếu TDTT, đất ở mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng được bồi thường 50,5 triệu đồng/m2, đất không mặt tiền 35,3 triệu đồng/m2. Thậm chí, trong thời gian tới, trong một số dự án khác giá bồi thường có thể lên đến cả trăm triệu đồng/m2. Chính vì vậy, UBND TP mới có kiến nghị cho TP bồi thường vượt khung giá do Chính phủ ban hành (khung giá được ban hành trong Nghị định 188, tối đa là 67,5 triệu đồng/m2).

Cũng theo bà Nguyệt, để xác định được giá thị trường của BĐS trong điều kiện bình thường, các Cty tư vấn phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thông thường, nhân viên của các Cty tư vấn đọc thông tin quảng cáo trên báo chí, sau đó trong vai khách hàng đứng ra thoả thuận, thương thảo mua bán BĐS với chủ nhà. Giá thoả thuận cuối cùng được xác định là giá thị trường.

Cũng có Cty - để xác định được giá của một BĐS - phải tìm cho bằng được từ 3 đến 5 vụ mua bán BĐS khác, có sự tương đồng về cơ sở pháp lý, vị trí, diện tích... Giá mua bán các BĐS này được xác định là giá thị trường, để áp vào cho các trường hợp tương tự.

Theo Ngọc Huân - Lao Động