Top

Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Muốn làm nhưng quá tốn!

Cập nhật 04/03/2019 13:00

Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, dự án chưa thật sự cần thiết, vốn đầu tư phải đi vay sẽ kéo theo nguy cơ đẩy nợ công tăng cao

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án.

Ngân sách nhà nước chiếm 80%

Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 3 kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam. Kịch bản 1: Nâng cấp, tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại (năng lực 50 tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác 70 km/giờ). Kịch bản 2: Nâng cấp đường đơn hiện tại (khổ 1.000 mm) lên đường đôi khổ 1.435 mm, khai thác chung tàu khách và tàu hàng (năng lực 170 tàu/ngày đêm, tốc độ tối đa 200 km/giờ). Kịch bản 3: Nâng cấp, tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại và kết hợp xây dựng tuyến mới để khai thác riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/giờ (tốc độ khai thác tối đa 320 km/giờ).

"Trên cơ sở phân tích các phương án và tham khảo kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, báo cáo đề xuất lựa chọn kịch bản 3" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Bộ trưởng GTVT cho biết dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561.600 tỉ đồng (24,71 tỉ USD), giai đoạn 2 là 772.600 tỉ đồng (34 tỉ USD). Dự kiến thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2020-2032, nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM. Giai đoạn 2 từ năm 2032-2050, đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040; đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó nhà nước đầu tư 80%, vốn tư nhân 20% (mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị; chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng).

Dự kiến, từ tháng 5 đến tháng 7-2019, Bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về dự án này, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Chính phủ vào tháng 8-2019. Tháng 10-2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Báo cáo dự án tiền khả thi được lập bởi liên danh tư vấn Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI); Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC); Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ những nội dung chuyên đề chuyên sâu.

Hiện hành trình Hà Nội - TP HCM nhanh nhất của hệ thống đường sắt mất đến 29 giờ do chỉ có 1 đường ray. Ảnh: Tấn Thạnh

Chưa thật sự cần thiết

Trước đó, tại buổi báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn, lo lắng xung quanh chuyện vốn đầu tư cũng như tính hiệu quả của dự án. PGS-TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng - Trường ĐH Xây dựng, đánh giá với việc 80% tổng vốn đầu tư của dự án là vốn nhà nước sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Ông Thám đề nghị cần tính toán lại tính khả thi của dự án cũng như phương án huy động vốn cho phù hợp.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng ở thời điểm hiện tại, dự án này là chưa thật sự cần thiết, bởi khi đầu tư "mà phải đi vay sẽ kéo theo nguy cơ nợ công tăng cao". Cùng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT, khẳng định: "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cần thiết nhưng xây dựng lúc nào là điều cần thận trọng, phải có nguồn lực về kinh tế mới làm. 5-10 năm nữa xây là sớm quá, bởi thực tiễn kinh tế chúng ta còn khó khăn".

Theo ông Thủy, đường sắt tốc độ cao hay cao tốc hiện nay trên thế giới chủ yếu ở những nước có nền kinh tế phát triển. "Làm đường sắt tốc độ cao sẽ ngốn ngân sách rất lớn, trong khi tuyến đường này chỉ vận chuyển hành khách, khả năng hoàn vốn rất khó. Không có nguồn thu, lấy đâu để bù vào khoản tiền đầu tư hàng chục tỉ USD?" - TS Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của bên tư vấn cho biết nếu sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hằng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. Trường hợp 100% vốn phải vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% theo quy định trong suốt 2 giai đoạn đầu tư.

Từ Hà Nội - TP HCM chỉ còn 6 giờ 55 phút

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết tổng chiều dài dự án khoảng 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP HCM. Trong đó, 14 km tại Hà Nội đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi); 1.545 km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm. Tuyến đường sắt xây dựng mới tốc độ cao, cấp đặc biệt để khai thác riêng tàu chở khách là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.

Thời gian chạy tàu suốt từ Hà Nội - TP HCM sẽ là 5 giờ 20 phút và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả các ga. Dự án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao chạy trên ray.

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động