Top

Tổng kết thị trường từ ngày 24/7 đến ngày 30/7/2009

Dự thảo Luật Thuế nhà, đất vẫn còn đơn giản

Cập nhật 03/08/2009 11:15

Tuần qua đánh dấu bằng sự kiện Bộ Tài chính công bố dự thảo (đã chỉnh sửa) Luật thuế nhà, đất sau 3 tháng lấy ý kiến các bộ, ngành và người dân. So với lần công bố trước, dự thảo lần này có nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho người sử dụng nhà, đất.

Thuế suất đối với nhà ở chỉ còn 2 mức tính theo giá trị nhà: đến 600 triệu đồng không phải chịu thuế và phần trên 600 triệu đồng sẽ chịu mức thuế suất 0,03%.

Thuế suất đối với đất ở được chia làm 3 mức: diện tích đất trong hạn mức chịu mức thuế suất 0,03%; diện tích vượt nhưng không quá 3 lần chịu mức thuế 0,06%; phần vượt trên 3 lần chịu thuế suất 0,09%. Cũng theo dự thảo này thì “giá tính thuế của 1m2 nhà được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên đơn giá 1m2 nhà xây dựng mới của nhà ở cùng loại". Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dự kiến Chính phủ sẽ quy định giá tính thuế của 1m2 nhà bằng 50% đơn giá 1m2 nhà xây dựng mới của nhà ở cùng loại.

Lý giải của Bộ Tài chính cũng cho rằng: với ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 600 triệu đồng và giá tính thuế bằng 50% đơn giá nhà xây dựng mới của nhà ở cùng loại thì hầu hết các nhà hiện nay đều không chịu thuế, chỉ một số nhà biệt thự có diện tích lớn mới thuộc diện chịu thuế. Do đó, đối với người dân xây dựng một căn nhà kiên cố để ở thì giá tính thuế cũng chưa đến 600 triệu để thuộc diện chịu thuế.

Đã hợp lý chưa?

Mặc dù vậy, trao đổi với DiaOcOnline, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng mức giá trị nhà 600 triệu đồng để đánh thuế vẫn là mức cao và điều này sẽ không khuyến khích người ta xây dựng nhà hiện đại và như vậy sẽ không thể có những khu dân cư hiện đại.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm bộ môn địa chính, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu: Gọi là Luật thuế nhà, đất, nhưng cần lưu ý rằng 2 loại thuế này có nguyên tắc đánh thuế khác nhau, hay thuế nhà khác với thuế đất.

Đối với thuế đất, mục tiêu là tạo động lực để sử dụng đất có hiệu quả, cần quy định thuế suất thấp trong trường hợp đầu tư trên đất có hiệu quả cao, suất đầu tư lớn và cần quy định thuế suất cao trong trường hợp sử dụng đất không hiệu quả, nhất là khi có đất nhưng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng chiếu lệ. Thuế đất cần đánh theo mức độ hiệu quả trên đơn vị diện tích đất. Tuy nhiên, đối với nhà mà đánh thuế theo như nguyên tắc đối với đất thì trong nhiều trường hợp sẽ làm mất động lực đầu tư. Cũng giống như tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, ông Võ cho rằng, việc đánh thuế nhà đồng loạt theo diện tích và lũy tiến theo giá trị nhà như dự thảo sẽ chỉ khiến người ta sẽ chỉ muốn xây nhà một tầng với chi phí thấp.

Cũng theo ông Võ, một vấn đề khác cần xem xét khi thiết kế biểu thuế đối với nhà, đó là nhà ở đang được sử dụng vào mục đích sinh lợi, không phải để ở. Hiện tượng này rất phổ biến ở các đô thị. “Ví dụ, không ai bỏ ra mấy trăm triệu đồng thậm chỉ cả tỷ đồng để mua 1m2 nhà ở Hàng Đào (Hà Nội), chắc ngủ ở Hàng Đào không hiệu quả hơn ngủ ở Chương Dương. Người ta mua đất ở hàng Đào là để sử dụng mặt tiền vào buôn bán, có người mua nhà ở Hàng Đào đã nói là giá cao như vậy nhưng chỉ sau vài năm là hoàn vốn, lợi nhuận để hoàn vốn đó không phải do việc được ngủ ở Hàng Đào”, ông Võ nói. Và như vậy thì khung thuế giữa nhà ở với nhà sử dụng vào mục đích thương mại (đặc biệt là nhà ở trung tâm đô thị) phải khác nhau.

Ông Đặng Hùng Võ đề nghị: nhà thực ở với diện tích tối thiểu như hạn mức quy định thì không nên đánh thuế (như chính sách trước đây không đánh thuế nhà), nhưng nhà để đấy không sử dụng hoặc nhà cho thuê hoặc nhà sử dụng vào mục đích kinh doanh sinh lợi thì cần cần có khung tính thuế khác nhau. Về việc này, cần đánh thuế cao với trường hợp có nhà nhưng không sử dụng, các hình thức đưa nhà mình không sử dụng vào kinh doanh cho thuê hoặc buôn bán thì cần có đăng ký kinh doanh dịch vụ và tính mức thuế phù hợp cho sử dụng nhà vào mục đích kinh doanh.

Về thuế đất, nguyên tắc tính thuế suất lũy tiến theo diện tích là hợp lý, các nước cũng làm như vậy. Nhưng theo ông Võ, mức thuế sàn cũng như mức lũy tiến một bậc cho đất phi nông nghiệp như dự thảo Luật quy định đang còn quá thấp so với mặt bằng tất cả các nước hiện nay (1%).

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo của Luật thuế nhà đất còn khá đơn giản, chưa quét hết được những ngữ cảnh cần xem xét của cuộc sống và thị trường hiện nay. Họ đề nghị, việc vận dụng cách đánh thuế của các nước là cần thiết nhưng phải được tính toán chi tiết trên điều kiện cụ thể của Việt Nam thì luật mới mang tính khả thi.

Lê Đình - DiaOcOnline.vn