Top

Xây dựng công trình văn hóa, phúc lợi trong khu công nghiệp:

Đề xuất điều chỉnh quỹ đất chưa sử dụng

Cập nhật 08/07/2013 09:26

Bộ xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp tập trung (KCN). Nội dung của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của người công nhân với các công trình tiện ích xã hội như bệnh viện, phòng khám đa khoa, trường học, nhà văn hóa, khu luyện tập thể thao…

Thiếu nhiều công trình văn hóa, phúc lợi

Đến nay, cả nước đã có 179 KCN đi vào hoạt động trên tổng diện tích 51.000ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng đăng ký đạt 5,3 tỷ USD. Việc phát triển các KCN có tác động tích cực đến thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hiện có khoảng 1,6 triệu công nhân đang làm việc và khoảng 0,6 triệu lao động cung cấp các  loại dịch vụ tại KCN. Tuy nhiên, đời sống thường ngày của công nhân tại các KCN còn khó khăn. Bên cạnh nhu cầu về vật chất, những quyền và nhu cầu lợi ích tối thiểu của công nhân về y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí, phúc lợi vẫn chưa được giải quyết triệt để tại phần lớn các KCN hiện nay.

Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh.Ảnh:  Linh Anh.

Tổng hợp kết quả khảo sát do các tỉnh thành báo cáo lên Bộ Xây dựng, trong số 98 KCN có hơn 837.000 người lao động nhưng chỉ có 6 KCN có nhà văn hóa với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Chỉ có 6 khu có nhà tập luyện thể thao với diện tích khoảng 3.686m2 sàn, tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng. Trong đó, riêng Khu kinh tế Dung Quất được Nhà nước đầu tư Khu thể thao liên hợp giá trị khoảng 56 tỷ đồng. Các công trình khác như bệnh viện, trường mẫu giáo, tiểu học… cũng chỉ xuất hiện thưa thớt tại các KCN. Trong tất cả 98 KCN được khảo sát, chưa có một phòng khám bệnh đa khoa hoặc một thư viện nào được đầu tư xây dựng.

Tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nguyên nhân của việc thiếu các công trình văn hóa, phúc lợi là do các công trình này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi khả năng thu hồi vốn thấp. Nhiều địa phương thiếu kinh phí, doanh nghiệp cũng không mặn mà. Mặt khác, việc quy hoạch KCN chưa gắn với quy hoạch và phát triển các công trình hạ tầng ngoài KCN.

Dựa trên quan điểm phát triển các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội cho công nhân tại các KCN là điều kiện cần thiết để phát triển con người toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong Tờ trình của Bộ Xây dựng lên Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2015, việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi đáp ứng khoảng 20% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu, đến năm 2020 đáp ứng cho khoảng 50% công nhân có nhu cầu.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất giải pháp bố trí quỹ đất, cơ chế ưu đãi và nguồn lực để xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi tại các KCN. Đối với các KCN đã hình thành, địa phương rà soát điều chỉnh quỹ đất hiện có chưa sử dụng để tạo quỹ đất. Bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi đất tạo quỹ đất mới ngoài phạm vi khu công nghiệp. Nguồn vốn thực hiện một phần do Nhà nước trực tiếp đầu tư, vốn ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. Cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia với chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, ưu đãi về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư.

Bộ Xây dựng đề xuất phương án lựa chọn các địa phương có KCN trên 18.000 lao động trở lên để triển khai thí điểm Đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động. Trong số các địa phương được đề xuất có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,  Hải Phòng, Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương...

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị