Top

Dân “mù mờ” quy hoạch đất

Cập nhật 04/07/2013 08:49

Gần 80% số người dân không biết quy hoạch đất đai ở địa phương mình (NTNN số 158/2013) là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kiện tụng, khiếu nại về đất đai kéo dài và nhức nhối trên cả nước.

Những con số biết nói


Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo cho rằng, báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 là những con số biết nói, chỉ ra được những điểm mạnh, yếu của từng chính quyền địa phương. Đây sẽ là hệ quy chiếu chuẩn để chấm điểm một cách công bằng đối với tất cả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp sắp tới của HĐND các cấp. Từ đây sẽ cung cấp cho các đại biểu Quốc hội và HĐND những thông tin, dữ liệu khách quan về hiệu quả quản trị và hành chính công của từng địa phương.

Theo ông Jairo Acuna-Alfaro - cố vấn chính sách của UNDP, trong các chỉ số PAPI, việc chính quyền công khai minh bạch trong quá trình quy hoạch lập kế hoạch sử dụng đất, đền bù thu hồi đất là việc làm hết sức bức thiết hiện nay, đặc biệt là ở nông thôn. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát năm 2012 cho thấy chỉ có 19,6% người dân được hỏi biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Ở Trà Vinh chỉ có 4,1% người dân được biết thông tin quan trọng này. Ở Hà Nam, địa phương có tỷ lệ người dân được biết thông tin quy hoạch đất đai nhiều nhất cả nước cũng chỉ đạt 48,2%.

Trong khi đó, chỉ số cho biết mức độ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi phê duyệt theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy chính quyền địa phương đang rất coi nhẹ. Kết quả khảo sát năm 2012 chỉ có 6,49% số người dân trả lời cho biết họ có cơ hội được tham gia đóng góp ý kiến. Tỉnh Hà Nam đứng đầu về chỉ số này nhưng cũng chỉ có 24,6% số người dân được hỏi cho biết họ có cơ hội được góp ý. Trong khi đó chỉ số này ở tỉnh Trà Vinh chỉ là 0,4%.
Theo báo cáo PAPI 2012, địa phương đứng đầu về chỉ số người dân được biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương là tỉnh Hà Nam với 48,2%, thấp nhấp là tỉnh Trà Vinh với 4,1%. Đứng đầu về chỉ số người dân được tham gia ý kiến đóng góp dự thảo quy hoạch đất đai là tỉnh Hậu Giang với 100%, thấp nhất là tỉnh Đăk Lăk với 19,6%.

Bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng

Cũng theo kết quả của báo cáo chỉ số PAPI năm 2012, ở Việt Nam, tình trạng tham nhũng dẫn tới xảy ra căng thẳng và xung đột giữa chính quyền và người dân dễ xảy ra nhất là ở lĩnh vực quản lý đất đai. Báo cáo nêu ví dụ điển hình việc mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương ở Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên) cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc công khai minh bạch về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất đền bù.

Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy trung bình toàn quốc chỉ có 12,86% số hộ bị mất đất cho biết giá đền bù gần với thị trường. Tỷ lệ này tăng lên 17,9% trong năm 2012, song vẫn ở mức thấp. Theo ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, nếu chỉ số này thấp thì tình trạng khiếu nại liên quan đến đền bù đất ở Việt Nam sẽ còn gia tăng.

Ngoài ra, theo báo cáo chỉ số PAPI 2012, 18% số người dân được hỏi sẵn sàng đưa hối hộ để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất hoặc khi cần làm việc với các cơ quan chức năng quản lý đất đai. Trong đó có tới 56% số người dân đi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất trong 3 năm qua phải trả các loại phí không chính thức lên đến gần 820.000 đồng/trường hợp. Lý giải điều này, TS Thảo cho rằng, hiện nay các quy trình thủ tục để đăng ký quyền sử dụng đất quá rườm rà, khiến người dân mất quá nhiều thời gian. Để được việc, người dân phải “lót tay”, hối lộ cán bộ hoặc đối tượng trung gian.

Ông Jairo Acuna-Alfaro cho biết thêm, phạm vi, quy mô đòi “lót tay”, hối lộ chưa phải là con số cuối cùng. Bởi người dân chưa dám tố giác mà chấp nhận chịu đựng “nhũng nhiễu” để được việc còn hơn trả một cái giá “không định lượng” khi tố giác tham nhũng. Đây cũng là những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt