Sở hữu bao nhiêu nhà phải nộp thuế sẽ quyết sau. Chưa hoàn tất cấp chủ quyền nhà, đất cả nước sẽ khó tính thuế sở hữu, sử dụng nhà đất lũy tiến.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ một số điều chỉnh về thuế, lệ phí liên quan đến bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị tính thuế sử dụng đất riêng, thuế sở hữu nhà riêng.
Các trường hợp sử dụng đất vượt hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định sẽ bị đánh thuế lũy tiến, diện tích vượt hạn mức càng nhiều thì chủ nhà phải nộp thuế càng cao. Tương tự, hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà ở càng lớn thì phải nộp thuế lũy tiến sở hữu nhà càng cao. Theo một số chuyên gia, để việc tính thuế lũy tiến nhà đất khả thi thì phải có nhiều biện pháp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng:
Hạn mức 100 m2 chỉ là ví dụ
Trong báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thuế và lệ phí liên quan đến bất động sản có nội dung hộ gia đình, cá nhân sở hữu một hoặc nhiều nhà ở, căn hộ mà có diện tích vượt quá 100 m2 thì phải đóng thuế lũy tiến.
Tuy nhiên, hạn mức 100 m2 này chỉ là ví dụ của Bộ Xây dựng chứ không phải là sẽ áp dụng như thế. Đây là ví dụ dẫn chứng để báo cáo Thủ tướng, còn căn cứ cụ thể để tính thuế, mức bao nhiêu để đánh thuế thì phải tính sau. Cách tính thuế như thế nào thì còn phải căn cứ vào nhiều nguyên tắc khác nữa.
Ông Nguyễn Cao Thái, Phó ban Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính:
Phải lấy ý kiến của người nộp thuế
Đó là ý kiến Bộ Xây dựng đưa ra chứ chỉ căn cứ diện tích để đánh thuế thì chưa đủ. Để chính sách này hợp lý và công bằng, chắc chắn phải lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả những người sở hữu nhà.
Đất ở mỗi địa phương có giá khác nhau, thậm chí ngay tại một khu đất cũng có những giá khác nhau rồi. Việc đánh thuế này cần phải quan tâm đến hoàn cảnh, đối tượng cụ thể. Đơn cử như các vị lão thành cách mạng, nếu phải đánh theo nguyên tắc thuế lũy tiến thì xem chừng chưa hợp lý.
Hiện tại thuế đất đang được thu theo Pháp lệnh Thuế nhà đất. Tuy nhiên, pháp lệnh này được xây dựng từ năm 1992 và không còn phù hợp. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp các ngành liên quan xây dựng Luật Thuế sử dụng đất.
Bộ Tài chính đã xin phép Chính phủ cho lui lại dự luật này vì dự luật bao gồm thuế nhà đất trước đây và cả thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nước ta đang giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, nếu ban hành ngay Luật Thuế sử dụng đất thì không hợp lý.
Ông Lưu Đức Huy, Trưởng phòng Chính sách phí, lệ phí và thuế khác, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính:
Phải có cơ sở dữ liệu nhà, đất toàn quốc
Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đang chuẩn bị lấy ý kiến để xây dựng văn bản đánh thuế nhà, đất. Theo đó, có thể căn cứ vào hạn mức đất ở theo địa phương ban hành. Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương có những điều kiện khác nhau, giá đất khác nhau, hạn mức sử dụng đất khác nhau nên rất khó đưa ra mức cụ thể bao nhiêu để đánh thuế lũy tiến đối với người sử dụng đất.
Thực tế có không ít người có nhiều nhà nhưng họ lại chỉ đứng tên một nhà thôi, số còn lại họ nhờ người khác đứng tên. Do vậy, quản lý như thế nào cũng là vấn đề khó khăn. Nước ta lại chưa hoàn tất việc cấp giấy tờ nhà đất cho người dân. Muốn đánh thuế chính xác thì phải cấp xong hết giấy chứng nhận cho đúng người đang sử dụng. Đặc biệt, việc đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất căn cứ theo hạn mức sử dụng đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà, đất hoàn thiện trong cả nước.
>> Đầu cơ nhà đất nở rộ: Do chính sách thuế lỗi thời.
>> Chống đầu cơ nhà đất: Cần có chính sách thuế hợp lý!.
Theo Pháp Luật
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: