Top

2,5 triệu người bị ảnh hưởng vì thu hồi đất

Cập nhật 07/07/2007 14:00

Đó là số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, nhằm đánh giá thực trạng của việc thu hồi đất của nông dân trong 5 năm (từ 2001 đến 2005).

Theo thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi trong thời gian này là 366.000ha (chiếm gần 4% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước).

Thu hồi đất là tất yếu, nhưng...

Các địa phương có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất là: Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Cà Mau, HN, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc... Có thể khẳng định rằng, vấn đề thu hồi đất là một yêu cầu tất yếu nhằm phục vụ quá trình phát triển KTXH của đất nước.

Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng đã tạo thuận lợi cho các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như xây dựng các khu đô thị mới, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài... góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, việc thu hồi đất đang để lại nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân và ảnh hưởng tới đời sống xã hội ở nhiều địa phương. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, việc thu hồi đất nông nghiệp 5 năm qua đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ nông dân, với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người.

Trên thực tế, khi thu hồi đất, các địa phương đều có ban hành nhiều chính sách như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư v.v... đối với người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có tới 67% số lao động nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất vẫn làm nghề cũ; chỉ có 13% số lao động chuyển sang nghề mới và khoảng 20% không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Đây là nguyên nhân làm cho 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây, chỉ khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước.

Sử dụng đất lãng phí

Trong lúc người nông dân bị thu hồi đất gặp không ít khó khăn, thì việc sử dụng đất thu hồi lại xảy ra tình trạng rất lãng phí. Tại vùng ĐBSCL đang có tới 111 khu, cụm công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 24.000ha; nhưng mới chỉ có 5 KCN hoạt động hiệu quả là Trà Nóc I (Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang), Thuận Đạo (Long An), Sa Đéc (Đồng Tháp), Hoà Phú (Vĩnh Long).

Các khu còn lại hiệu quả sử dụng rất thấp, do thu hút được rất ít dự án đầu tư. Tại Cần Thơ, KCN Trà Nóc II rộng 165ha, đến nay mới giải toả đền bù được 90ha, số còn lại địa phương không triển khai, để nguyên trạng từ năm 2005 đến nay. KCN Hưng Phú I, II tổng diện tích 576ha nhưng đến nay chỉ có Cty dầu thực vật Cái Lân thuê 4ha. Tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tới 18 KCN, nhưng ngoài KCN Sa Đéc, số còn lại đang trong tình trạng hoang vắng. KCN Cao Lãnh - nằm cạnh quốc lộ 30 và cảng Cao Lãnh - xây dựng đã 3 năm, nhưng đến nay vẫn là bãi đất đá ngổn ngang...

Làm thế nào để quản lý được quá trình thu hồi đất bảo đảm công bằng, minh bạch? Phải làm gì để đảm bảo sinh kế bền vững và ổn định cho người nông dân trong diện bị thu hồi đất? Và phải làm thế nào để đất đai thu hồi không bị hoang hoá, lãng phí?

Để giải quyết vấn đề này, Bộ NNPTNT đã đưa ra 4 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách và biện pháp giải quyết việc làm, hỗ trợ ổn định người dân tái định cư; các biện pháp minh bạch hoá quy hoạch và cơ chế, chính sách thu hồi đất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc kiên quyết điều chỉnh, khắc phục tình trạng quy hoạch "treo"; hỗ trợ tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đô thị đạt giá trị và hiệu quả cao; khuyến khích các KCN, DN lớn xây dựng cơ sở dạy nghề tại chỗ... Hy vọng những giải pháp này sớm giúp người dân bị thu hồi đất được bảo đảm sinh kế bền vững.

Công Thắng
Theo Lao Động