Chưa có chế độ quản lý, giám sát nhà ở cán bộ thống nhất trên cả nước.
Gần đây, báo chí Trung Quốc liên tiếp phanh phui nhiều vụ tham nhũng nhà ở của một số cán bộ lãnh đạo tại các địa phương khó khăn. Tại tỉnh Giang Tây có 30 biệt thự được cấp cho cán bộ Cục Dân chính TP Cảnh Đức Trấn. Tại tỉnh Hồ Nam, cán bộ cũng được cấp hơn 100 biệt thự.
Lợi dụng cải cách để tiêu cực
Theo ông Hồ Dương (phó giáo sư Học viện Quản lý công cộng Đại học Trịnh Châu, phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bình luận liêm chính tỉnh Hà Nam), hiện tượng tham nhũng trong lĩnh vực nhà ở mang tính đặc thù trong cuộc cải cách nhà ở của Trung Quốc.
Từ năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách thị trường nhà ở. Năm 1994, Quốc hội Trung Quốc ban hành quyết định về việc đi sâu cải cách chế độ nhà ở tại thành phố và thị trấn.
Trong quá trình cải cách, thị trường và quyền lực luôn câu kết với nhau. Ban đầu, cán bộ lãnh đạo mượn nhiều danh nghĩa để chiếm dụng đất và xây nhà. Sau đó, cán bộ lãnh đạo lấy quyền hành để mua nhà giá rẻ. Các hiện tượng này dần dần phát triển cao hơn, đến nay trở thành nạn xây dựng biệt thự quan chức, chiếm dụng đất trái phép.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Từ Quang Xuân nói: “Một cán bộ cấp phòng của một huyện mà có nhà ở trên 300 m2, thậm chí lên tới 600 m2. Thật vô lý và lãng phí!”.
Về hình thức, đây là hình thức tham nhũng mang tính phô trương. Quan chức lợi dụng quyền hạn để thỏa mãn thói phô trương giàu có và địa vị. Từ đó tất yếu dẫn đến lãng phí tài sản công cộng và sự giàu có của xã hội. Hình thức tham nhũng này cũng phản ánh tư tưởng đặc quyền.
Năm 2000 và năm 2005, Cục Quản lý sự vụ Quốc hội và Cục Quản lý sự vụ cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng Trung Quốc và nhiều địa phương đã ban hành nhiều cải cách nhằm quản lý chặt hơn chế độ nhà ở của cán bộ nhà nước.
Trong thực tế, hình thức và nội dung tham nhũng trong lĩnh vực nhà ở của cán bộ luôn thay đổi và phát triển ở hình thái cao hơn nên việc xác định tham nhũng nhà ở của cán bộ còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện chưa có chế độ quản lý, giám sát nhà ở cán bộ thống nhất trên cả nước. Chế độ công khai tài sản cán bộ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Chỉnh đốn cách nào?
Về cơ bản, có bốn biện pháp ngăn chặn hình thức tham nhũng nhà ở:
- Phân biệt rõ loại quan tham: Tham nhũng nhà ở có hai loại chủ yếu: Tham nhũng mua bán nhà ở và tham nhũng xây dựng nhà. Nếu chi tiết hơn thì có thể chia thành tham nhũng nhà ở công và tham nhũng nhà ở tư.
Hình thức tham nhũng mua bán nhà ở thường thể hiện trong trường hợp cán bộ dùng quyền lực để gây ảnh hưởng đến thị trường giá cả nhà đất và hưởng lợi. Còn hình thức tham nhũng xây dựng nhà thể hiện trong trường hợp lợi dụng chức quyền để chiếm dụng hoặc mua bán giá rẻ đất đai, qua đó xây dựng nhà, biệt thự vượt tiêu chuẩn.
- Cơ chế quản lý, giám sát nhà ở phải mang tính trừng trị và đề phòng: Cơ chế này phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và mức phát triển nhà của từng địa phương. Ví dụ, đặt tiêu chuẩn nhà công dành cho cán bộ lãnh đạo các cấp, lập hồ sơ về nhà ở, xây dựng chế độ đăng ký, phê chuẩn mua bán và xây dựng nhà ở tư...
- Trừng trị, truy cứu trách nhiệm: Cần xác định rõ đối tượng, trình tự, nội dung, phương pháp và phạm vi truy cứu trách nhiệm.
- Hoàn thiện chế độ công khai nhà ở cán bộ: Chịu sự giám sát của xã hội là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng nhà ở của cán bộ. Chẳng hạn, công khai tiêu chuẩn nhà ở của cán bộ lãnh đạo các cấp, công khai trình tự đăng ký và phê duyệt việc mua bán và xây dựng nhà ở của cán bộ...
Tháng 7-2008, UBND TP Tín Dương (tỉnh Hà Nam) thừa nhận Cục Tài nguyên-Môi trường của thành phố đã vi phạm nghiêm trọng trong việc cấp nhà ở cho cán bộ. 11 cán bộ lãnh đạo của Cục đã được cấp nhà xây kiểu biệt thự nhưng chỉ nộp khoản phí xây dựng 200.000 nhân dân tệ (500 triệu đồng VN) mỗi hộ trong khi giá thị trường mỗi căn gấp 10 lần.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: