Top

Campuchia đàm phán với nước ngoài về các thoả thuận cho thuê đất

Cập nhật 21/11/2008 17:00

Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về hợp tác kinh tế Campuchia Suos Yara, nước này đang đàm phán với một số chính phủ châu Á và Trung Đông để nhận 3 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đổi lại việc cho thuê hàng triệu ha đất. Ông Suos cho biết một số thoả thuận sẽ được thông qua "trong những tháng tới".

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nước nghèo nhưng giàu đất đai phì nhiêu và nguồn nước dồi dào như Campuchia và một số nước ở Đông Phi, đang tìm kiếm nguồn đầu tư từ các nước giàu nhưng nghèo tài nguyên. Côoét và Cata đang "rất quan tâm" đến việc đảm bảo đất canh tác, trong khi Hàn Quốc và Philíppin - những nước thiếu lương thực nghiêm trọng trong năm nay - cũng là những nhà đầu tư châu Á tiềm năng.

Trả lời phóng vấn tờ "Thời báo tài chính", quan chức Campuchia trên khẳng định: "Giá lương thực gần đây đã giảm xuống nhưng thực sự đây vẫn là vấn đề quan trọng, vì cung ứng lương thực sẽ là vấn đề dài hạn. Với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, chúng ta cần nắm lấy cơ hội để phát triển nông nghiệp và chuyển đầu tư nước ngoài từ xây dựng sang nông nghiệp".

Côoét đã đồng ý dành cho Campuchia một khoản vay tổng cộng 546 triệu USD để phát triển nông nghiệp - mức cam kết viện trợ lớn thứ hai mà Campuchia nhận được từ trước đến nay, sau khoản vay 601 triệu USD mà Trung Quốc dành cho nước này năm 2007. Tuần này, công ty Daewoo Logistics (Hàn Quốc) đã đảm bảo một thoả thuận quan trọng với Mađagaxca để thuê đất trong 99 năm phục vụ cho việc trồng lương thực và sau đó tái xuất cho Xơun.

Ông Suos Yara không đưa ra những thông tin chi tiết về các thoả thuận tiềm năng này cũng như mức giá mà các nhà đầu tư phải trả cho việc thuê đất, song cho biết các thoả thuận cho thuê đất sẽ kéo dài từ 70-90 năm. Campuchia có 6 triệu ha đất cho nông nghiệp, trong đó 2,5 triệu ha đang được canh tác. Ngoài việc đẩy mạnh diện tích đất nông nghiệp, theo ông Suos Yara, các thoả thuận sẽ đóng góp đáng kể vào nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ tại một đất nước nổi lên từ nhiều thập kỷ chiến tranh và nạn diệt chủng trong thập niên 70 của thế kỷ trước.

Năm ngoái, Campuchia đã sản xuất 2,5 triệu tấn lương thực, trong đó khoảng 1,3 triệu tấn được xuất khẩu. Nếu với kỹ thuật hiện đại và hệ thống thủy lợi tốt hơn, sản xuất lương thực của nước này có thể tăng gấp đôi ở một khu vực. "Cú huých" nông nghiệp này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Campuchia đang đối mặt với sự suy thoái kinh tế bất ngờ sau khi tăng trưởng đạt trung bình 9% trong thập kỷ qua, và trong lúc các công ty bất động sản Hàn Quốc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu "xếp xó" các dự án bất động sản do tài chính khó khăn.

Campuchia đã thu hút khoảng 3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2007, trong đó 45% được đầu tư vào các dự án bất động sản và 25% vào nông nghiệp. Các thoả thuận cho thuê đất này sẽ giúp duy trì đầu tư nước ngoài ở mức như năm ngoái nhưng 50% sẽ được đầu tư cho nông nghiệp. Campuchia đã bị khủng hoảng lương thực và Ngân hàng Phát triển châu Á phải cung cấp 35 triệu USD viện trợ lương thực khẩn cấp cho nước này hồi tháng 10/08.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng