Nhà "bị kéo"
Chưa bao giờ mà từ "foreclosure" lại thường xuyên xuất hiện trên báo chí cũng như trên câu chuyện đầu môi ở Mỹ như lúc này. Foreclosure có nghĩa là xiết nợ - mà dân Cali thường gọi là nhà "bị kéo" - tức các nơi cho vay phải bán nhà để thu hồi vốn vì người mua nhà không còn khả năng tiếp tục trả góp. Nguy cơ mất nhà ngày càng cao khi những ngày qua, thị trường địa ốc ở Mỹ đón nhận toàn tin xấu:
Theo Reuters, các thị trưởng Hoa Kỳ (đại diện cho hơn 1.100 thành phố ở Mỹ) đã tổ chức một hội nghị đặc biệt ở Detroit vào ngày 27.11 với mục đích đối phó với "cuộc khủng hoảng gia cư" đang ngày càng leo thang với nguy cơ đẩy thêm 1,4 triệu căn nhà vào tình trạng bị xiết nợ, khiến giá trị bất động sản dự kiến sẽ sụt thêm 7% vào năm tới. Riêng tiểu bang California dự kiến giảm đến 16%.
Thậm chí, người ta còn cảnh báo tới mức, có thể một số thành phố sẽ bị bỏ hoang phế nếu như việc tịch thu nhà cứ tiếp tục theo mức độ hiện nay.
Theo báo chí địa phương thì tại Sacramento, thủ phủ bang California, cứ 43 căn nhà có một căn "bị kéo". Ở Quận Cam và Los Angeles, giá nhà đã sụt giảm 8 tháng liên tiếp và trong 10 tháng đầu năm 2007, Quận Cam đã bị mất 9.500 việc làm liên quan đến địa ốc và các dịch vụ cho vay tiền.
Tại Quận Cam, khu tập trung người gốc Việt, chỉ trong tháng 10.2007, đã có 530 căn nhà bị xiết nợ - mức cao nhất trong một tháng trong vòng 10 năm qua. Tính trên toàn nước Mỹ thì quý III/2007 có đến 446.726 chủ nhà trả nợ trễ hạn hoặc liều để cho nhà tài trợ xiết nợ.
Cùng với nỗi lo mất nhà, thị trường địa ốc xuống giá thê thảm lại là thời cơ để cho những ai có chút tiền tiết kiệm và có việc làm ổn định nghĩ tới việc sở hữu một ngôi nhà, nhất là ở nơi nhà cửa đắt đỏ như California. Phải nói là đã qua rồi cái thời người mua nhà tranh nhau như cướp ở thời điểm năm 2004, 2005.
Thiên hạ tranh nhau mua nhà để ở đã đành, đằng này, các nhà đầu cơ địa ốc lại nhân cơ hội thao túng, đầu cơ nên đẩy giá nhà lên cao chót vót. Cũng giống như tình trạng trên thị trường chứng khoán: Khi cần mua thì thị giá cứ tăng ào ào, đến khi thị trường "down" thì muốn bán cũng không ai mua.
Giờ đây, chỉ cần đảo qua một số đoạn đường cũng dễ dàng thấy rõ vài ba biển quảng cáo bán nhà mà chẳng "ma" nào thèm để ý tới.
Nói như các nhà môi giới địa ốc là "bóng đang ở bên phần sân người mua". Một người bạn của tôi than trời rằng anh ta xui xẻo mua nhà vào thời điểm cao giá nhất hồi đầu năm 2005. Anh mua một căn nhà cũ 3 phòng ngủ gần Little Saigon với giá 650.000 USD. Bây giờ anh buộc phải nâng cấp, ghép thêm một phòng ngủ nữa để rủ rê gia đình một đứa con về ở chung nhằm phụ vào việc thanh toán tiền trả nợ nhà mỗi tháng.
Người Việt ít lo
Tình hình thị trường địa ốc như thế dẫn đến việc các hãng sa thải bớt nhân viên. Thế nên những chuyên viên địa ốc nào còn bám trụ được thì ráng mà tìm kiếm khách hàng. Câu hỏi đặt ra và được báo in cũng như các đài phát thanh, truyền hình nhắc đi nhắc lại là "Lúc này đã nên mua nhà hay chưa?".
Thiên hạ bàn đủ cách, nhưng thử hỏi, có ai biết chắc được thời điểm giá nhà hạ tới mức thấp nhất để mua? Thành thử ra, lời bàn được nhiều người đồng thuận là, nếu như tính chuyện lâu dài, mua để ở hàng chục năm liền thì có thể mua được rồi, vì lúc này tha hồ mà chọn căn nhà cùng địa điểm vừa ý.
Vả lại, các tay môi giới cũng như chủ nhà chịu lép vế, chiều chuộng hết mình, bằng cách gánh chịu các chi phí thủ tục mua nhà, hoặc biếu tặng thêm đồ đạc...
Một điểm đáng nói là dù chưa có thống kê, việc xiết nhà với người gốc Việt "hiếm" xảy ra vì đa số bà con ta biết "thủ". Hơn nữa ở Mỹ, việc sở hữu một ngôi nhà chẳng mấy khó khăn đối với người Việt, chỉ cần chịu khó, chăm chỉ làm việc là được, nhất là khi muốn sở hữu những căn nhà ở một số tiểu bang giá cả "nhẹ nhàng".
Cuối tháng 11 vừa qua, nhân có chuyến đi Dallas, Texas, chúng tôi ghé thăm một số bạn bè ở Fort-Worth. Theo tin tức cộng đồng người Việt thì hầu như 100% người gốc Việt ở đây đều có nhà riêng do giá nhà quá rẻ. Bạn tôi sở hữu một căn nhà mới xây theo bản vẽ của mình với 4 phòng ngủ mà giá chỉ 115.000 USD.
Các căn nhà cũ 3 phòng ngủ giá khoảng 70.000 USD, nên một người đi làm với mức lương thấp, cỡ 8 USD/giờ cũng có thể mua nhà trả góp dễ dàng. Còn nhà giá từ 300.000 USD trở lên là như một lâu đài rồi.
Nguyên nhân của cơn thoái trào thị trường bất động sản hiện nay là do chương trình "subprime", tức chương trình mở rộng diện được cho vay để mua bất động sản với lãi suất cao dành cho những người có điểm tín dụng thấp mà đa số là những người nhập cư hoặc cư dân gốc Mỹ La-tinh, dân da màu, gốc thiểu số...
Khi thị trường "xấu" như hiện nay thì các cơ quan tín dụng, các ngân hàng buộc phải đưa ra những điều kiện cho vay khắt khe hơn nên càng ít người hội đủ điều kiện mua nhà. Thế là những khu nhà mới xây càng khó kiếm được khách hàng. Hậu quả dây chuyền khi ngành địa ốc kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo như trang trí nội thất, vật liệu xây dựng...
Thị trường bất động sản là "xương sống" của nền kinh tế Mỹ nên dĩ nhiên là các chính khách, các kinh tế gia đang bàn biện pháp cứu gỡ.
Ngày 3.12.2007, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paulson tuyên bố sẽ có một thỏa thuận giúp cho hàng trăm ngàn gia chủ thoát khỏi tình trạng vỡ nợ và nhà bị xiết khi bàn phương cách cho họ được tiếp tục trả nợ theo lãi suất cũ.
Nếu không, vào năm 2008, khi điều chỉnh phần lời của vay địa ốc, có những chủ nhà phải trả thêm cả 1.000 USD/tháng khiến cho tình hình "nhà bị kéo" tồi tệ thêm.
Căn cứ vào 5.978 hồ sơ của các gia chủ mua nhà những năm trước và bán lại trong 10 tháng đầu năm 2007 ở Quận Cam thì họ đã bị lỗ trung bình 16%, tương đương 109.514 USD.
Một vài thành phố đông cư dân người gốc Việt có tỷ lệ thua lỗ còn cao hơn, như: Garden Grove 21%, Santa Ana 21,3%; Westminster 19,7%. (Nguồn: The Orange County Register 4.12.07)
Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: