Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giữ nguyên quy định của Luật Đất đai năm 2003, theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản của cả vợ và chồng thì phải ghi tên của cả hai vợ chồng…
Theo nhận định của Diễn đàn chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù Việt Nam cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nam giới tiếp cận nhiều với đất đai hơn nữ giới và phụ nữ đặc biệt dễ có nguy cơ mất quyền sử dụng đất khi ly hôn hoặc khi chồng mất.
Theo đó, trước khi có Luật đất đai năm 2003, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp dưới tên “chủ hộ gia đình”. Do vậy, nam giới được hưởng lợi hơn từ quy định này. Theo điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004, có tới 66% đất đai được đăng ký quyền sử dụng dưới tên của chủ hộ là nam, 19% chủ hộ là nữ và chỉ có 15% là có tên cả vợ và chồng.
Luật Đất đai năm 2003 ra đời là một bước tiến quan trọng đối với bình đẳng giới trong việc yêu cầu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả tên vợ và tên chồng đối với tài sản có trong hôn nhân. Trên thực tế, việc thực hiện điều này còn tiến triển chậm, theo Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2008, chỉ có 10,9% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, 18,2% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn và 29,8% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị là ghi tên cả vợ và chồng.
Mới đây, một khảo sát được thực hiện trong năm 2012, với 1250 người tham gia phỏng vấn cho thấy, có 45% các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỉ có tên chồng, trong khi chỉ 22% là có cả tên vợ và chồng, 19% có vợ đứng tên một mình.
“Tuy chỉ là một bước nhỏ trong việc tiến tới đạt bình đẳng giới trong tiếp cận với đất đai, nhưng quy định này vẫn rất quan trọng. Hơn nữa, trọng tâm vấn đề không chỉ là đảm bảo điều khoản này được giữ lại, mà còn cần phải có những biện pháp chính sách nhằm tăng cường việc thực thi một cách hiệu quả” - Bản kiến nghị Chính sách chung về đất đai của Diễn đàn Diễn đàn chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, mới đây, góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003, Diễn đàn chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa ra khuyến nghị, cần giữ nguyên quy định của Luật Đất đai năm 2003, theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản của cả vợ và chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng, đồng thời tăng cường việc thực thi điều khoản này.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản của cả vợ và chồng thì phải ghi tên của cả hai vợ chồng…
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: